Sáng 5-5, tại hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ ở Tây Ninh do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo phương án xây dựng Vành đai 4.
TP.HCM tự cân đối vốn, các tỉnh cần hỗ trợ của Trung ương
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, vừa qua các địa phương đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Theo đó, thống nhất thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt, quy mô mặt cắt ngang đầu tư giai đoạn 1 phần tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc (tối thiểu bốn làn xe chạy, có làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy).
Cũng qua nghiên cứu tiền khả thi, tổng chiều dài tuyến Vành đai 4 dài khoảng 206,82 km, có chênh lệch so với quy hoạch (197,6 km).
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 127.230 tỉ đồng (phần xây dựng: 78.074 tỉ đồng; phần giải phóng mặt bằng: 49.155 tỉ đồng).
TP.HCM đã cùng Bộ GTVT, các địa phương chuẩn bị triển khai dự án và các địa phương đã hoàn thành báo cáo tiền khả thi.
Trước đó, TP.HCM có công văn gửi năm địa phương, đề nghị sớm hoàn thành báo cáo tiền khả thi, thống nhất phương án đầu tư đối với các công trình có vị trí giáp ranh các địa phương như cầu Thủ Biên (kết nối Bình Dương - Đồng Nai), cầu Bàu Cạn (kết nối Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu).
Đồng thời, đề nghị các tỉnh báo cáo khả năng cân đối vốn của ngân sách địa phương cho dự án và đề xuất nguồn vốn Trung ương hỗ trợ.
Ông Mãi cho biết, trong lần làm việc với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, các tỉnh đề nghị vốn Trung ương hỗ trợ 50% cho phần giải phóng mặt bằng tại các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM; riêng Long An cần hỗ trợ 90%.
Lúc này, Bộ trưởng cho biết trong điều kiện hiện nay, cân đối vốn Trung ương cũng rất khó khăn, đề nghị các địa phương rà lại, cân đối tối đa khả năng của địa phương, còn lại đề nghị vốn hỗ trợ của Trung ương cho phần giải phóng mặt bằng. Do đó, TP.HCM đã đề nghị các địa phương rà soát lại.
Qua rà soát, các tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 50% phần vốn giải phóng mặt bằng cho Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, 75% đối với Long An và TP.HCM xin tự cân đối vốn.
TP.HCM cũng đề nghị Long An rà soát khả năng cân đối vốn ngân sách địa phương, tham gia thực hiện dự án để đề xuất các phương án phân kỳ đầu tư phù hợp, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện dự án.
Theo ông Mãi, Vành đai 4 đoạn qua Long An dài hơn 78 km, nếu để Long An làm hết sẽ tốn nhiều vốn. Do đó, có thể nghiên cứu thực hiện phân kỳ, trong đó lấy cao tốc TP.HCM – Trung Lương làm điểm phân kỳ.
Ngoài ra, TP còn đề nghị các địa phương đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sau khi các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận, qua quá trình chuẩn bị, nhận thấy có một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư dự án đường Vành đai 4.
“Nếu xác định đây là đường giao thông quốc gia thì thuộc nhiệm vụ đầu tư của Trung ương, nhưng vận dụng cơ chế Vành đai 3 có thể chia sẻ ngân sách cả Trung ương và địa phương” – ông Mãi nói và cho biết cũng chưa có cơ chế để địa phương này sử dụng vốn ngân sách của mình để hỗ trợ cho địa phương khác như trong làm cầu Thủ Biên, Bàu Cạn.
Cũng theo ông Mãi, hiện nguồn vốn nhà nước tham gia các dự án lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia dự án…
Chủ tịch TP.HCM kiến nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành hồ sơ dự án. Riêng dự Án Vành đai 4 qua Long An nặng nhất, phải trình ra Quốc hội.
“Đề nghị chấp thuận giao TP chủ trì phối hợp các Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, các bộ, ngành, địa phương để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Vành đai 4” – Chủ tịch Phan Văn Mãi nói và đề nghị được tích hợp các cơ chế từ Vành đai 3, Nghị quyết 106/2023 của Quốc hội để xây dựng Vành đai 4. Từ đó, các địa phương sẽ cố gắng hoàn thành hồ sơ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.
Về phần vốn xin Trung ương hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, với 50% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, dự kiến khoảng 10.000 tỉ đồng và xin bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025.
Riêng tỉnh Long An, ngân sách Trung ương hỗ trợ 75% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án, khoảng 28.400 tỉ đồng và xin bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 6.700 tỉ đồng (tức 30% chi phí giải phóng mặt bằng), phần còn xin bố trí trong giai đoạn 2026-2030.
“Bình Dương đã chuẩn bị, đủ điều kiện khởi công trong tháng 7, xin phép Thủ tướng cho Bình Dương đi trước. Cơ chế, chính sách sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm” – ông Phan Văn Mãi thông tin.
Phát hành trái phiếu để làm Vành đai 4
Trao đổi lại với Chủ tịch TP.HCM, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết các kiến nghị của TP.HCM và các địa phương hợp lý nhưng có khó khăn về ngân sách.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch vốn Trung ương giai đoạn 2026-2030 chưa được Quốc hội phê duyệt nên rất khó xác định.
“Đây là khoản tiền tương đối lớn, không nằm trong kế hoạch nào hiện nay và phải chờ rất lâu” – ông Dũng nói.
Từ đó, với quan điểm cá nhân, Bộ trưởng gợi ý: Chúng ta có khả năng tách dự án này riêng ra không, đừng đặt vào trong ngân sách chung quốc gia. Ví dụ như cho phát hành trái phiếu riêng của dự án này. Các tỉnh đi vay, sau này các tỉnh tự trả lại.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần xác định chắc chắn phải đầu tư dự án Vành đai 4, do đó cần mạnh dạn đầu tư.
“Chúng ta mạnh dạn vay, nếu như đặt vào ngân sách Trung ương sẽ vô cùng phức tạp, gần như rất khó khả thi… Nếu muốn làm nhanh tách dự án này riêng ra, các địa phương đóng góp bao nhiêu, vay bao nhiêu, cho các cơ chế đi vay, phát hành và đề xuất trả” - Bộ trưởng gợi ý và cho biết nếu đưa vào ngân sách Trung ương sẽ mất thời gian, khó làm được.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, các cơ chế, kiến nghị của TP.HCM và địa phương đề xuất cho Vành đai 4 cũng là các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng Vành đai 3 Hà Nội, các dự án đường cao tốc quốc gia.
Trường hợp có khó khăn về ngân sách Trung ương, ông Thắng đề nghị phải có cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực xã hội hoá. Theo ông, Vùng Đông Nam Bộ có sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, do đó, cần có cơ chế, chính sách linh hoạt, đa dạng để tháo gỡ nội dung này.
Theo các quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tuyến đường Vành đai 4 có tổng chiều dài dài 197,6 km, đi qua năm địa phương gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.
Về quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật, đường Vành đai 4 là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h; mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe cao tốc, có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng.
Vành đai 4 TP.HCM là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, đầu tư trước năm 2030.