Sáng 5-5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối Vùng Đông Nam Bộ lần ba.
Cùng tham dự hội nghị có Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Trước đó, Hội nghị Hội đồng Điều phối Vùng Đông Nam Bộ lần thứ một và lần hai đều được tổ chức tại TP.HCM.
Dự kiến, hội nghị lần này sẽ bàn về Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng ký quyết định phê duyệt vào hôm qua (4-5).
Đồng thời, sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị, bàn luận về cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng Đông Nam Bộ và báo cáo phương án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM…
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chúc mừng, hỏi thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến lãnh đạo, người dân Vùng Đông Nam Bộ.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, qua theo dõi một năm thực hiện Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất vui, hài lòng với nhiều kết quả tích cực. Trong đó đã triển khai nhiều văn bản, xây dựng xong quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ và đồng loạt triển khai nhiều dự án.
Qua đó, cho thấy sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển của các vùng, nhất là Vùng Đông Nam Bộ - vùng đóng góp tăng trưởng cao nhất cả nước.
Theo Thủ tướng, hội nghị lần này sẽ tập trung bàn việc tổ chức, triển khai thực hiện quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ vừa được phê duyệt. “Việc hoàn tất phê duyệt quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ trong thời điểm này có ý nghĩa quan trọng để vùng thực hiện nhiều nhiệm vụ” - Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết các nhiệm vụ đó là triển khai các dự án quan trọng, kết nối liên vùng, liên ngành; đẩy nhanh đột phá chiến lược; rà soát công việc ưu tiên thực hiện quy hoạch, xác định phương hướng, giải pháp triển khai hiệu quả quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ để đưa kinh tế vùng phát triển nhanh, bền vững…
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh chính đề nghị Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, lãnh đạo Bộ, ngành thảo luận sâu các giải pháp phát triển quy hoạch vùng, đề xuất giải pháp mang tính đột phá, cơ chế, chính sách đặc thù cần thí điểm và tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển vùng. Đồng thời kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về thể chế, chính sách, nguồn lực, nhân lực cho vùng…
Tại hội nghị, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, đã công bố Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, quy hoạch xác định Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước, là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao.
Vùng Đông Nam Bộ cũng được xây dựng thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.
Phát triển và đưa TP.HCM là TP văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học đến sinh sống và làm việc, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước. Đồng thời trở thành trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.
Về các mục tiêu kinh tế cụ thể, Quy hoạch vùng đề ra việc phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 -9%/năm, trong đó TP.HCM tăng trưởng khoảng 8,5-9%/năm.
GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380-420 triệu đồng, tương đương 14.500 - 16.000 USD; phấn đấu tỉ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 35 - 40%...