Chiều 20-12, tại Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản nhằm trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Nhóm doanh nghiệp Nhật Bản gồm Công ty Năng lượng Hitachi, Công ty Jined, Công ty MHI… Đây đều là những doanh nghiệp sản xuất, đầu tư chuyên sâu, hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại Nhật Bản và trên thế giới. Ngoài ra, buổi làm việc còn có sự tham gia của Trường Đại học Công nghệ Nagaoka và Trường Đại học Fukui.
Hợp tác quốc tế để phát triển điện hạt nhân là giải pháp tối ưu
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau tám năm tạm dừng, mới đây Quốc hội Việt Nam đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hiện đang hết sức cấp thiết và được dự báo tiếp tục tăng cao.
Bộ trưởng khẳng định, điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững, ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn. Trong lịch sử từng có một số sự cố về các nhà máy điện hạt nhân nhưng xét về xác suất là vô cùng thấp. Hơn nữa, công nghệ điện hạt nhân hiện nay tiến bộ rất xa so với công nghệ trước đây.
Tiếp tục chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay Đảng và Chính phủ Việt Nam chủ trương chỉ lựa chọn những công nghệ hạt nhân, đối tác tốt nhất và đào tạo nhân lực để vận hành an toàn, hiệu quả dự án năng lượng của quốc gia. Ông cũng cho biết để thực hiện, Việt Nam đã bổ sung, hoàn thiện và cơ bản có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thời gian tới Bộ Công Thương sẽ cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và địa phương rà soát bổ sung quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc này có thể sẽ sớm được hoàn thành vì bản thân dự án đã có từ trước đây và Việt Nam chỉ là tái khởi động dự án.
Bộ Công Thương sẽ chủ trì các bộ ngành tham mưu xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư để hướng dẫn thực hiện dự án này. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị Chính phủ rà soát, xem xét giao cho EVN làm chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, Chính phủ báo cáo trước cấp có thẩm quyền tái đàm phán với Nhật Bản để ký thỏa thuận theo cam kết cũ, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính.
Theo Bộ trưởng, chủ đầu tư EVN cũng khẩn trương rà soát, cập nhật thông tin điều chỉnh dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi có chủ trương đầu tư dự án mới, chủ đầu tư sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng dự án để trình cấp có thẩm quyền cấp phép.
EVN sẽ rà soát lại số nhân lực đã được đào tạo tại Nhật Bản, nếu còn đủ điều kiện và có nguyện vọng sẽ tiếp tục đào tạo lại. Đồng thời, lập kế hoạch đào tạo lượng nhân lực mới. Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan sẽ nỗ lực đảm bảo các công việc này được thực hiện đúng lộ trình đề ra…
Chỉ lựa chọn công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và xử lý sự cố liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân. Các công ty Nhật Bản trong buổi làm việc hôm nay cũng là những đại diện nổi bật trong số các công ty chuyên về năng lượng của Nhật Bản. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản phối hợp, tư vấn, hỗ trợ để Việt Nam phát triển điện hạt nhân.
Bộ trưởng đề nghị các công ty Nhật Bản giới thiệu các công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn để Việt Nam xem xét, đánh giá, lựa chọn ứng dụng cho cả quá trình xây dựng cũng như vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, trong thời gian tới các đơn vị liên quan của Việt Nam và Nhật Bản sẽ cùng nhau rà soát lại số nhân lực về điện hạt nhân đã được đào tạo tại Nhật Bản. Nếu còn đủ điều kiện và có nguyện vọng sẽ tiếp tục đào tạo lại. Đồng thời, hai bên cùng lập kế hoạch đào tạo lượng nhân lực mới vì Việt Nam rất cần lực lượng nhân lực chất lượng cao nắm rõ chuyên môn về điện hạt nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong thành phần đoàn Việt Nam có đại diện của Trường Đại học Điện lực và các Trường Đại học trực thuộc Bộ Công Thương Việt Nam.
Do đó, ông đề nghị các công ty Nhật Bản cùng với các Trường Đại học, hiệp hội liên quan của Nhật Bản trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân sẽ sớm trao đổi với phía Việt Nam nhằm xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Chiều 19-12, trong Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về công nghiệp, thương mại, năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã trao đổi và chính thức đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong triển khai chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân và đã đề xuất nhiều nội dung hợp tác.
Một là, hợp tác trong việc chia sẻ để hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Hai là, hợp tác để lựa chọn công nghệ tốt nhất cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận theo kinh nghiệm của Nhật Bản.
Ba là, hợp tác đào tạo, đào tạo lại nhân lực triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Thứ tư, tái rà soát lại Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản về tài trợ vốn cho dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận