.Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, bà đã nhiều lần kêu gọi người dân hiến tạng giúp đỡ bệnh nhân, vậy bà nhận thấy việc này đang được thực hiện thế nào?
+ Bà Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay nhu cầu ghép tạng ở các bệnh nhân suy tạng, mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh thận, bệnh ung thư... lên đến hàng chục ngàn người.
Về kỹ thuật, các bệnh viện của mình thực hiện ghép tạng rất tốt. Nhưng cái khó ở đây là nguồn cung cấp tạng. Nhiều nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, chết bất đắc kỳ tử nhưng người nhà của họ không đồng ý hiến tạng. Hoặc mấy tuần vừa qua, tại BV Việt Đức có hàng chục người chết não, có cố co kéo nữa thì cũng không thể cứu được nhưng người nhà họ không đồng ý hiến tạng bởi còn mang nặng quan niệm không thể cho đi một phần thân thể người thân của mình.
Tuy nhiên, nếu với những người đã đăng ký hiến tạng mà đang ở trong tình trạng nói trên thì bên y tế sẽ lấy phần tạng đó (sau nhiều tiêu chuẩn chọn lọc) để ghép cho người đang chờ được ghép tạng theo danh sách.
.Theo bà, tâm lý người dân hưởng ứng thế nào đến việc cho, hiến tạng?
+ Ở mình, việc hiến tạng chưa phổ biến lắm, phần vì văn hóa còn ăn sâu, phần vì tuyên truyền chưa được đúng mức. Nhiều người theo đạo còn nghĩ rằng việc cho, hiến tạng là điều không thể được.
Tuy vậy, các vị hòa thượng, linh mục lại rất khuyến khích việc cho, hiến tạng, bởi hành động này giống như làm việc nghĩa để cứu người trước khi đi về cõi vĩnh hằng. Con người sinh ra từ cát bụi, cuối cùng lại trở về với cát bụi, vì vậy hãy làm điều gì có ích cho đời để tạ ơn cuộc đời.
Cạnh đó, nếu một người có ý nguyện được cho, hiến tạng thì người nhà cũng nên tạo điều kiện cho người đó được làm theo ý nguyện. Đó cũng là cách mà nhiều người quan niệm là để người chết được thanh thản, mau siêu thoát.
Hãy quan niệm rằng người thân mất đi, thay vì tạng đó bị chôn vùi, tiêu hủy thì nếu được ghép cho người cần nó, một đôi mắt có thể tiếp tục nhìn lại được, một trái tim lại tiếp tục đập. Có ba thứ hạnh phúc đối với người hiến tạng, đó là người chết đi nhưng vẫn cứu được người khác. Tiếp đó là thay vì để tạng phân hủy, tan nát thì nó lại vẫn đang tồn tại trong một người khác. Hạnh phúc nữa là người cần ghép tạng được cứu sống.
Ngành y giúp kết nối người cho và người nhận tạng giành lại sự sống. Ở các nước phát triển, người hiến tạng đều được đeo thẻ, do đó ngành y tế dễ dàng tiếp cận với các bệnh nhân chết não.
. Bà đã đăng ký hiến tạng từ năm 2013, thật sự bà có cảm thấy sợ không? Ở thời điểm ấy người thân của bà có ủng hộ chuyện đó không?
+ Tôi không sợ chuyện này. Tôi đăng ký hiến tạng từ năm 2013, có ai biết tôi đã đăng ký đâu, khi ra phong trào thì mới biết.
Có rất nhiều người dân đã đăng ký hiến tạng rồi, nhiều lắm. Tôi không phải trường hợp đặc biệt, bình thường thôi vì tôi cũng là công dân mà.
Không phải tôi là Bộ trưởng hay quản lý thì mới làm điều đó, vì nếu tôi là người dân bình thường khác thì tôi cũng làm thế thôi. Ở vị trí là quản lý, tôi thấy càng phải thúc đẩy nhanh việc này để có nguồn tạng. Người nhà tôi đều là những thầy thuốc nên rất ủng hộ chuyện này.