Trong phiên chất vấn ngày 11-6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trần tình như thế trước câu hỏi của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về thực hư con số 34.000 tỉ đồng đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK).
“Do cấp vụ báo”
“Trong đề án đổi mới chương trình SGK của bộ không trình bày kinh phí thực hiện thì đó là một sai sót, chắc chắn đó là một đề án chưa chuẩn xác, chưa đúng, chưa đầy đủ mà đã trình ra Ủy ban Thường vụ QH. Lý do giải thích của bộ trưởng có lẽ cũng chưa có sức thuyết phục” - ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) hỏi.
Bộ trưởng Luận khẳng định trong đề án đổi mới chương trình SGK mà bộ đang xây dựng không có vấn đề kinh phí và đó cũng không phải là một sự thiếu sót, chuẩn bị đề án sơ sài như ĐB chất vấn. Việc bộ xây dựng đề án này là thực hiện Nghị quyết 40 của QH khóa X. Nội dung của Nghị quyết 40 cũng như nội dung dự thảo đề án mà bộ xây dựng không có vấn đề kinh phí.
“Trong đề án không có, vậy tại sao con số 34.000 tỉ lại xuất hiện?”. Bộ trưởng Luận giải thích: “Tôi có nghe báo cáo lại là trong khi thảo luận, chất vấn thì đồng chí Trương Thị Mai có hỏi tính toán của Chính phủ về nguồn kinh phí để triển khai đề án là bao nhiêu, đã chuẩn bị hay chưa. Dù tờ trình không có con số 34.000 tỉ đồng nhưng lúc đó có một đồng chí cấp vụ ngồi ở ghế sau trao lên một tờ giấy. Do lúc dự phiên họp trang nghiêm, có lẽ hơi bị “khớp” nên đồng chí thứ trưởng chưa kịp trao đổi kỹ về con số đó. Như thế là lỗi kỹ thuật để xảy ra sai sót” - bộ trưởng nhấn mạnh.
Sinh viên thất nghiệp vì giáo dục chạy theo số lượng
ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) hỏi: “Thông tin gần đây cho biết có gần đến 72.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH mà không có việc làm, phải tìm những việc làm không liên quan đến nghề đào tạo của mình. Bộ đã có chính sách, biện pháp gì trong vấn đề này?”.
Bộ trưởng Luận nhìn nhận một số trách nhiệm của bộ hiện nay. Đó là giáo dục ĐH trong một thời gian dài chú trọng về quy mô, số lượng mà chưa quan tâm đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng. Hơn nữa nội dung, chương trình phương pháp dạy học, thi cử của các trường chủ yếu xuất phát từ khả năng hiện có của các nhà trường, chưa chú ý đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thêm vào đó, quy trình mở trường cấp phép hoạt động cho các trường ĐH, CĐ thiếu chặt chẽ, chưa chú trọng đến nhu cầu thực tế.
Về việc lạm phát học sinh khá, giỏi, bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi không có khuyến khích việc tăng các tỉ lệ và không có đánh giá gì về các cháu cũng như không có đánh giá thầy, cô giáo và nhà trường về kết quả phân loại học sinh. Việc chính là chúng ta giúp cho các cháu có sự tiến bộ qua từng ngày học, qua từng lớp học, còn việc có rơi rớt của việc này thì toàn ngành tiếp tục có những hoạt động để triển khai, khắc phục”.
HẰNG NGUYỆT