Chiến lược cân bằng của Mỹ ở châu Á không phải là một ngày một bữa, mà là chiến lược dài hạn, tạp chí Defense One (Mỹ) dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trước các thủy thủ tại ĐĐH Chiến tranh hàng hải (Mỹ) ngày 25-5.
Ông cho rằng các hành động và phản ứng qua lại giữa Trung Quốc và Mỹ ở biển Đông là một phần trong bức tranh tổng thể căng thẳng hai bên ở khu vực và sẽ chỉ chấm dứt khi Trung Quốc thay đổi. Mà theo ông Carter, sự thay đổi của Trung Quốc là chắc chắn sẽ xảy ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phát biểu trước các thủy thủ tại ĐH Chiến tranh hàng hải (Mỹ) ngày 25-5. Ảnh: DEFENSE ONE
Phát biểu trước các thủy thủ tại căn cứ tàu ngầm New London ở bang Connecticut (Mỹ) trước đó, Bộ trưởng Carter cho biết các cuộc tuần tra của tàu chiến và máy bay Mỹ trên biển Đông gần đây chỉ là phần dễ nhìn thấy nhất trong kế hoạch lớn của Mỹ.
“Chiến lược cân bằng tại châu Á gồm rất nhiều thứ chứ không chỉ là các chiến dịch tuần tra tự do lưu thông hàng hải. Đó là một chương trình tổng thể thúc đẩy các hoạt động ngoại giao, kinh tế cũng như quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương".
“Mỹ sẽ di chuyển sức mạnh đến châu Á, sẽ hiện đại hóa sức mạnh Mỹ ở châu Á. Các hoạt động tập trận song phương và đa phương, cũng như phát triển quan hệ đối tác quân sự với các nước trong khu vực là một phần trong chiến lược này của Mỹ. Tất cả hạng mục trong chiến lược này đều nhằm duy trì hòa bình và ổn định lâu dài ở châu Á-Thái Bình Dương".
Giải thích về các cuộc tuần tra hàng hải, Bộ trưởng Carter cho biết: “Mỹ thực hiện tuần tra khắp thế giới chứ không riêng ở đâu, không nhắm riêng vào nước nào. Trên biển Đông không chỉ có Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Nếu gọi các cuộc tuần tra của Mỹ là thách thức tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, thì Mỹ không chỉ thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc mà thách thức cả tuyên bố chủ quyền của các nước khác".
Bộ trưởng Carter cũng cho rằng các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông nên được giải quyết theo hướng hòa bình chứ không phải bằng quân sự, bằng cưỡng ép.