Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam và sau đó là Nhật Bản đang trở thành tâm điểm thảo luận về chiến lược tái cân bằng của cường quốc số một thế giới đối với khu vực.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS. Patrick M. Cronin, Nghiên cứu viên cao cấp và Giám đốc, Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Trung Tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nhận định “khi Trung Quốc và các cường quốc khác đua nhau mở rộng ảnh hưởng của họ trong khu vực Đông Nam Á, muốn bảo đảm lợi ích và các mối quan hệ tại khu vực Mỹ cần phải tiếp cận một cách toàn diện với sự phối hợp hoàn hảo giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm”.
Cường quốc toàn cầu hay cường quốc khu vực?
Thập niên thứ nhất và đầu thập niên thứ hai thế kỷ 21 cho đến nay, không thể phủ nhận sự trỗi dậy và gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc tại châu Á nói chung và khu vực Đông Á nói riêng. Nếu như sự gia tăng các chỉ số kinh tế cũng như hoạt động thương mại quốc tế của nước này khiến sự phụ thuộc giữa các nước trong khu vực gia tăng thì ngược lại hành động hung hăng, bành trướng của Bắc Kinh tại các vùng biển, đặc biệt là biển Đông... lại khiến an ninh khu vực bị đe dọa nghiêm trọng.
Các nước trong cuộc như Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Malaysia hay Việt Nam và cả những quốc gia “không chính danh” như Ấn Độ, Úc cũng điều chỉnh chính sách đối ngoại để đối trọng với một Trung Quốc đầy tham vọng. Mỹ dưới thời Tổng thống Obama đã có sự trở lại châu Á một cách mạnh mẽ so với người tiền nhiệm. Chính sách tái cân bằng, tuy còn nhiều tranh cãi giữa “cam kết” và “hành động” nhưng cũng cho thấy sự ưu tiên của người Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quan trọng nhất, với vai trò là cường quốc toàn cầu, người Mỹ vẫn loay hoay với quá nhiều mối bận tâm: Một nước Nga đầy sức mạnh tại châu Âu với vấn đề Ukraine, một Triều Tiên khó ứng xử tại châu Á, một Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dã man và lây lan nhanh như một đại dịch tại nhiều châu lục. Tất nhiên, còn một Trung Quốc “lắm chiêu trò”, sẵn sàng bẻ cong luật pháp (cố tình diễn giải luật quốc tế theo cách có lợi cho mình), leo thang căng thẳng tại biển Đông, làm lan truyền nỗi bất an và rủi ro xung đột tại khu vực trên nhiều lĩnh vực. Để đối trọng một Trung Quốc - cường quốc khu vực - dồn sức mạnh cho một điểm buộc chính quyền Obama ngày phải luân chuyển sự ưu tiên của Mỹ sang khu vực châu Á nhiều hơn, trong đó vấn đề biển Đông đóng vai trò then chốt.
Thay đổi chính sách, định hình sự ưu tiên
Đội tàu đổ bộ Essex ARG của Mỹ. Ảnh: U.S. NAVY
TS. Patrick M. Cronin nhận định năm 2016, Mỹ đã thể hiện sự chủ động với Đông Nam Á hơn rất nhiều so với thời điểm trước năm 2009. Những năm cuối, đặc biệt là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Obama cho thấy một nước Mỹ đang có sự chuyển dịch ưu tiên một cách rõ ràng sang khu vực châu Á nói chung và Đông Á nói riêng, không chỉ bằng cam kết mà bằng hành động. Vai trò to lớn của biển Đông và sự đóng góp của các đồng minh, đối tác giúp Mỹ định hình kiến trúc an ninh tại khu vực và toàn cầu khiến Washington phải hiện diện trực tiếp nhiều hơn tại khu vực, sẵn sàng đối trọng và răn đe mạnh dạng hơn với Bắc Kinh.
Tỉ lệ thất nghiệp giảm mạnh, kinh tế tăng trưởng ổn định, quyền lực Tổng thống được củng cố giúp Mỹ ổn định về nội lực. Thêm vào đó, cuộc bầu cử với sự thiếu vắng những tay đua mang lại cảm hứng cho người dân Mỹ khiến hình ảnh ông Obama càng được đón nhận.
Về đối ngoại, với nước Nga đã thấm mệt vì cấm vận, thay vì hiện diện và đối trọng trực tiếp, Mỹ tìm cách củng cố và sau đó chuyển vai trò đối trọng Moscow sang cho NATO. Trong khi đó, IS sau những cuộc chinh phạt của Mỹ và đồng minh, nay còn có sự tham gia của Nga, đã ngày càng kiệt lụy. Triều Tiên sau những lần thử hạt nhân, tên lửa gần nhất đã liên tiếp bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt, ngay cả Trung Quốc, vốn được xem là đồng minh duy nhất của Triều Tiên cũng đã nhiều lần bày tỏ sự không đồng tình.
Nước Mỹ nhờ sự điều chỉnh về mặt quản trị thế giới cũng giảm đi những quan ngại về an ninh và lợi ích tại nhiều khu vực, thế nên bản thân ông Obama, vào thời điểm chuẩn bị hết nhiệm kỳ, có thể “rảnh tay” làm được nhiều việc khác với đồng minh truyền thống và đối tác quan trọng của Mỹ tại châu Á.
Như vậy vừa không mất đi vai trò của một cường quốc toàn cầu, vừa đủ nguồn lực tại châu Á đối trọng với một cường quốc khu vực hung hăng và lắt léo như Trung Quốc trong thời gian tới đây, đặc biệt trong vấn đề tranh chấp biển.
Kết thúc để khởi đầu
Chuyến thăm của ông Obama đến Việt Nam và Nhật Bản lần này rất có thể là chuyến thăm cuối cùng của ông trên cương vị tổng thống Mỹ đến Đông Á. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là kết thúc, mà ngược lại nó khởi đầu cho nhiều vấn đề quan trọng.
Ông Patrick M. Cronin nói rằng chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam chứa đựng nhiều thông điệp cho cả Việt Nam và những quốc gia khác trong khu vực rằng Mỹ đã sẵn sàng tiến hành những biện pháp nhằm bảo vệ sự ổn định và một trật tự an ninh dựa trên sự thượng tôn pháp luật. Việc chọn lựa thời điểm này để đến Việt Nam và khu vực là rất quan trọng trong việc duy trì những nguyên tắc mang tính khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết tranh chấp biển Đông một cách hòa bình, gồm cả việc thông qua Tòa trọng tài thường trực được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Châu Á nói chung và biển Đông nói riêng chắc chắn sẽ là một thế cờ lâu năm mới có thể giải được đối với Mỹ. Tuy nhiên, chuyến thăm của Obama lần này là một nước cờ tiền đề quan trọng. Về mặt biểu tượng, chuyến thăm làm gia tăng niềm tin và sự đón nhận của Việt Nam và các nước đồng minh trong khu vực của Mỹ với Washington. Đó là tiền đề vô cùng quan trọng cho những bước đi mạnh bạo hơn, thậm chí nhạy cảm hơn.
Về mặt thực tế, chuyến thăm sẽ kích hoạt hay ít nhất cũng tạo tiền đề cho những hợp tác về kinh tế với trọng tâm là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); và an ninh mà trọng tâm là hợp tác quốc phòng, tăng cường năng lực trên biển bằng hay khả năng gỡ bỏ lệnh hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam và gặp gỡ nhiều lãnh đạo châu Á lần này tuy không phải dài ngày nhưng đó là một “nét đậm” trong bức tranh toàn cảnh thế giới được người Mỹ đang đặt trọng tâm ưu tiên hành động.