Bộ trưởng thấy đau xót khi bị doanh nghiệp hiểu sai

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với các thành viên ban soạn thảo Nghị định quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản diễn ra ngày 30-9.

Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các ban soạn thảo cần đánh giá tình hình thực tế, chỉnh sửa những điểm còn có những ý kiến tranh cãi như chưa phù hợp với thực tế, thiếu rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp… để chỉnh sửa trước khi đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị chức năng để trình Chính phủ xem xét.

Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cần nhanh chóng gửi ý kiến đóng góp cho dự thảo trên cơ sở “đặt mình vào doanh nghiệp”để thấy rằng vướng mắc ở đâu để xây dựng dự thảo cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đến môi trường.

“Tôi rất mừng vì ban soạn thảo đã lắng nghe và sửa đổi nhiều điểm trong dự thảo. Mục đích xây dựng nghị định của chúng ta là tốt nhưng cách đặt vấn đề của chúng ta vẫn chưa sát, cần phải tư duy lại và thay đổi. Luật đặt ra là quản lý có hiệu quả, tạo hành lang pháp lý bảo vệ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển chứ không phải đẻ ra một loại giấy phép con mới để “hành doanh nghiệp”, cần phải làm rõ mục tiêu quản lý của Nghị định này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ những ngày qua ông đã đọc tất cả các ý kiến đóng góp từ VCCI, báo chí, doanh nghiệp… Cá nhân ông cảm thấy rất đau xót trước những ý kiến cho rằng Bộ Công Thương vì doanh nghiệp lớn giết chết doanh nghiệp nhỏ hay Luật xây dựng trên cơ sở lợi ích nhóm…

“Mục tiêu xây dựng dự thảo là tốt đẹp nhằm tạo cơ sở cho doanh nghiệp phát triển, bảo vệ môi trường, an toàn người lao động, bảo tồn tài nguyên quốc gia… Mục đích tốt đẹp nhưng bị nhìn nhận sai  như vậy có phần lỗi của ban soạn thảo khi chưa công khai minh bạch thông tin, chưa rộng đường dư luận để mọi thành phần trong xã hội có thể đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định”- ông chia sẻ.

Theo Bộ Công Thương, Nghị định quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản qua hai lần dự thảo. Theo ban soạn thảo, thời gian qua, ngành công nghiệp này tăng trưởng nóng về quy mô với hơn 5.000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau, với khoảng 170 doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chỉ mới điều chỉnh đến hoạt động thăm dò khai thác chứ chưa điều chỉnh đến hoạt động chế biến.

Trong khi đó, khai thác khoáng sản đặc biệt là khai thác hầm lò luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn (sập hầm mỏ, cháy nổ, khí mê tan, bục nước, phụt khí, ngộ độc…) chiếm tỉ lệ cao  về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong cả nước; Đặc biệt chiếm tỉ lệ cao nhất về các bệnh phổi, điếc nghề nghiệp…

Khai thác chế biến khoáng sản cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động xấu và nghiêm trọng đến môi trường và ảnh hưởng trên phạm vi sâu rộng như chiếm dụng nhiều đất, sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình, biến đổi dòng thủy văn do đổ thải,… tác động trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm