Chiều ngày 17-11, sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà đã có cuộc chia sẻ nhanh với báo chí về những chính sách lớn của dự luật
Chấm dứt phát triển dựa vào khai thác cạn kiệt tài nguyên
. Thưa Bộ trưởng, ông có cảm nghĩ gì khi Luật bảo vệ môi trường 2020 đã được thông qua với tỷ lệ ĐBQH tán thành khá cao?
+Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: Thời gian qua, vấn đề môi trường của đất nước đang đứng trước thách thức do biến đổi khí hậu, mô hình phát triển kinh tế không bền vững nên chất lượng môi trường nói chung, đa dạng sinh học bị suy thoái. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống người dân. Đặc biệt sau khi xảy ra sự cố môi trường lớn của đất nước từ đầu nhiệm kỳ, người dân, cử tri và ĐBQH mong muốn có một chính sách để làm thay đổi tình trạng này.
Với tư cách là Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, tôi rất phấn khởi khi thực hiện được cam kết, lời hứa với cử tri và ĐBQH về mong muốn này. Đây cũng là dịp để chúng ta chuyển sang một trang mới, giai đoạn mới với công tác bảo vệ môi trường, thể chế hoá các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và nhà nước về nâng cao chất lượng phát triển kinh tế, đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn sắp tới.
Cho đến nay, việc phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên đã đến ngưỡng, môi trường trở thành vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới, tư duy mới. Theo đó, Bộ luật lần này chú trọng vào kinh tế tri thức, kinh tế số, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng sinh thái, thân thiện với tự nhiên…
Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà. Ảnh: TP
. Vậy những chính sách, định hướng lớn về môi trường, nhận thức mới, tư duy mới trong phát triển như ông vừa chia sẻ được thể hiện trong luật và tới đây được triển khai trong thực tế như thế nào?
+ Đây là một bộ luật khó như nhiều đại biểu đã lo lắng bởi vì nó quá đồ sộ với 16 chương, 171 điều. Có thể nói gần như thay đổi khá toàn diện và cơ bản so với Luật 2014. Bộ luật lần này hướng đến mong muốn tạo nền tảng cần thiết cho một đạo luật về môi trường toàn diện, thống nhất và hội nhập.
Luật đã xác định những quan điểm hết sức quan trọng, đó là giải quyết các vấn đề về ô nhiễm, sự cố môi trường, tiến tới chủ động hơn trong vấn đề phòng ngừa và quản lý môi trường. Tức vừa phòng ngừa, vừa không cho các dự án ô nhiễm làm trầm trọng hơn vấn đề môi trường. Điều đó đặt ra yêu cầu phải đảo ngược xu thế môi trường đang ô nhiễm ở tất cả các thành phần (nước, không khí, chất thải rắn). Hay tình trạng chất lượng, số lượng của đa dạng sinh học, hệ sinh thái bị phá vỡ sự cân bằng, tác nhân từ hoạt động phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu cực đoan…
Luật cũng tiếp cận cách thức quản lý khoa học dựa trên những kinh nghiệm của thế giới. Chẳng hạn như tiếp cận từ khâu xây dựng các chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, quản lý cả hoạt động sản xuất sau này một cách xuyên suốt, xây dựng cơ sở dữ liệu số. Từ đó có thể huy động toàn thể người dân, cộng đồng tham gia giám sát, cung cấp thông tin, tư vấn, phản biện về vấn đề môi trường.
Cùng với đó, chúng ta sẽ tập quản lý những lĩnh vực nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, tạo điều kiện thông thoáng cho các lĩnh vực, ngành ứng dụng các công nghệ thân thiện, hiện đại, tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên. Hướng đến phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, không có chất thải. Ở đó chất thải loại của lĩnh vực này sẽ là vật liệu tái chế, nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực khác. Luật cũng đưa ra công cụ kiểm toán môi trường do bản thân doanh nghiệp thực hiện, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện, để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường của doanh nghiệp…
Cần phải khẳng định một lần nữa, đây là lần đầu tiên chúng ta thống nhất thành một đạo luật trên tinh thần phân công, phân cấp về trách nhiệm quản lý. Đây là lần đầu tiên ở Trung ương đã thống nhất là Chính phủ và một bộ sẽ chịu trách nhiệm. Đây là lần đầu tiên phân cấp rõ ràng từ Trung ương đến địa phương, rất nhiều nhiệm vụ đã phân cấp cho địa phương, những vấn đề này thì sắp tới chúng ta phải sẽ phải bàn về việc tổ chức thực hiện cho hiệu quả.
Việc triển khai tổ chức đương nhiên sẽ rất khó khăn. Quốc hội đã luôn nói đây là một luật lớn, đồ sộ và phức tạp. Vì vậy, thời điểm áp dụng luật là ngày 1-1-2022 để các cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh tiếp tục cụ thể hóa các quy định liên qua, khối lượng này không nhỏ. Chúng tôi sẽ lựa chọn, đề xuất quy định khoảng 4-5 văn bản tầm nghị định, nhưng nội dung trong đó sẽ chi tiết, có những quy định mang tính nguyên tắc, có quy định chi tiết, để mỗi người dân và doanh nghiệp có thể hiểu và áp dụng dễ dàng.
Dự án gây ô nhiễm thì không được xả thải
. Giấy phép môi trường là một trong những chính sách lớn của Luật. Tới đây, chính sách này được cụ thể hóa trong các nghị định hướng dẫn như thế nào?
+ Khi đánh giá các dự án đầu tư dựa theo tiêu chí môi trường chúng ta sẽ phân thành các nhóm. Tiêu chí này gồm 3 trụ cột quan trọng. Một là chất thải, tức là quy mô và tính chất của dự án sẽ quyết định chất thải. Loại thứ hai là sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Loại thứ ba là tác động đến môi trường tự nhiên, trong đó đặc biệt là khu dân cư, con người, môi trường nước, đa dạng sinh học, dự trữ sinh quyển, di sản thiên nhiên...
Có những dự án sẽ có đánh giá tác động môi trường sơ bộ, có dự án không cần sơ bộ, có dự án chỉ cần đánh giá tác động và cấp phép, có dự án không cần đánh giá tác động và không cần cấp phép. Nên để thấy cách làm này dựa trên cơ sở hết sức khoa học, dựa trên 3 nhóm tiêu chí lớn đó để chúng ta quyết định. Việc đánh giá tác động và cấp phép thì đã đánh giá tác động rồi thì quá trình, thủ tục cấp phép sẽ đơn giản hơn dự án mà chỉ có cấp phép mà không phải đánh giá tác động môi trường. Điều đó Chính phủ sẽ quy định và trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã quy định.
Trước đây chúng ta có nhiều loại giấy phép về môi trường, giờ chỉ có 1 giấy phép quy định. Từ nay trở đi cũng chỉ có 1 cơ quan chịu trách nhiệm chính từ khâu đánh giá tác động môi trường đến cấp phép. Trong một giấy phép đó sẽ thể hiện tất cả các nội dung. Toàn bộ thủ tục cấp phép cũng được thống nhất, cơ quan nào thẩm định ĐTM thì cơ quan đó cấp phép. Các thủ tục sẽ giảm đi vì chúng ta chỉ cần 1 bộ hồ sơ, chỉ cần một hội đồng đánh giá. Dự kiến giảm ít nhất khoảng 50% thời gian cấp phép, giảm chi phi cho doanh nghiệp và người dân. Nếu có chuyện gì xảy ra thì cơ quan cấp phép sẽ chịu trách nhiệm, chứ không phải như lâu nay ô nhiễm một dòng sông thì không biết đến bao nhiêu cơ quan chịu trách nhiệm.
Quan điểm của cơ quan quản lý môi trường chúng tôi, nếu đã ô nhiễm thì tuyệt đối không được cho xả thêm nữa. Trong luật lần này, đối với khu vực như sông Nhuệ, sông Đáy đã ô nhiễm thì sẽ có chuyện di dời, đóng cửa và cho lộ trình cải thiện chứ tuyệt đối không cho thêm xả thải. Và nếu muốn đầu tư nhà máy đó thì chất lượng nước thải ra phải bằng chất lượng nước mặt. Quan điểm luật này như vậy, tức là chúng ta sẽ không để tình trạng xấu hơn nữa, mà chúng ta sẽ từng bước đảo ngược lại tình trạng chất lượng môi trường.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội, tại kỳ họp thứ 10. Ảnh: QH
Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc công khai ĐTM
.Việc công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) sẽ được thực hiện ra sao sau khi Luật được thông qua?
+ Luật đã chỉ rất rõ là thông tin gì phải công khai, trách nhiệm của ai phải công khai, bao giờ công khai. Nói về đánh giá tác động trường, luật lần này đã gắn trách nhiệm của các chủ thể là các doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước đưa ra các quy chuẩn và các chuẩn mực yêu cầu của công tác quản lý đặt ra đối với dự án. Do đó, khi bắt đầu có dự án đầu tư (từ khâu làm các chủ trương, chuẩn bị cho tiền khả thi, cho đến khi bắt đầu có thiết kế kỹ thuật) thì doanh nghiệp đồng thời phải làm các đánh giá tác động môi trường. Sau khi doanh nghiệp làm theo hướng dẫn, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định (Bộ TN&MT hoặc chính quyền địa phương) thì họ phải công khai văn bản đó trên cổng thông tin của mình.
Bộ TNMT sẽ tiếp nhận văn bản sẽ tiến hành việc công khai để tham khảo, tham vấn ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của mình. Nội dung thông tin công khai sẽ gồm cả công khai thành viên của Hội đồng thẩm định, kết quả thẩm định và nếu cần thiết sẽ công khai những vấn đề mà Bộ thấy cần thiết để tham vấn các chuyên gia, cơ quan nghiên cứu. Những vấn đề chi tiết, trình tự, thủ tục cụ thể sẽ do Chính phủ quy định, còn những quy định trách nhiệm và nội dung thì đã quy định trong Luật này.
.Tại cuộc họp ngày 5-11 với các chuyên gia, Bộ trưởng đã tiếp thu và cho biết sẽ bổ sung nội dung cơ quan thẩm định sẽ công khai báo cáo ĐTM khi tiếp nhận để thẩm định và khi được phê duyệt. Nhưng luật vừa thông qua thì lại chỉ quy định cơ quan thẩm định công bố quyết định phê duyệt ĐTM. Tại sao lại như vậy?
+ Tại sao sản phẩm của bạn lại bảo tôi đi công khai. Bạn phải chịu trách nhiệm về bản đó, bởi vì tôi công khai xong vài hôm bạn bảo đấy không phải bản đúng. Doanh nghiệp khi đưa ra báo cáo đó lên cho cơ quan nhà nước, thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm công khai báo cáo đó.
Cơ quan nhà nước sẽ công khai cái quan trọng nhất là kết quả thẩm định báo cáo đó. Tức là cơ quan nhà nước phải công khai các nội dung: một là hội đồng, hai là kết quả thẩm định chứ Nhà nước không đi làm thay doanh nghiệp, ai làm người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
.Vậy nếu giao hết cho doanh nghiệp thì Bộ trưởng có giải pháp gì tham mưu để tránh việc nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận, che giấu những thông tin quan trọng cần phải xin ý kiến của chuyên gia?
+ Luật quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm phải thực hiện đầy đủ báo cáo theo hướng dẫn của Luật để nhận diện các tác động, xem xét các giải pháp và doanh nghiệp muốn có lợi thì phải tung báo cáo đó ra xin tư vấn. Doanh nghiệp có muốn che giấu cũng không được, vì cơ quan nhà nước sẽ công bố toàn bộ kết quả thẩm định, hội đồng thẩm định.
Thậm chí khi đã thẩm định, phê duyệt kết quả xong thì chuyển ý kiến tiếp tục công bố cho xã hội biết tác động thế này, giải pháp thế này, chúng tôi đồng ý thế này. Doanh nghiệp còn phải thực hiện mới hoàn thành được việc nhà nước yêu cầu. Việc này sẽ công khai cho xã hội biết hết, không có gì úp mở cả.
.Xin cảm ơn ông!