Sáng 4-1, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ký ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT triển khai ngay và nghiêm túc thực hiện một số nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Văn bản nêu rõ tại buổi làm việc trước đó của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ TN&MT, đồng thời đánh giá những nỗ lực điều tra nguyên nhân, khắc phục sự cố môi trường biển tại bốn tỉnh miền Trung.
Tuy nhiên, tổ công tác của Chính phủ cũng nhấn mạnh Bộ TN&MT vẫn còn nhiệm vụ nợ đọng, nổi cộm, bức xúc thuộc lĩnh vực được giao quản lý còn kéo dài, kể cả việc tiến hành xử lý xem xét các cá nhân vi phạm liên quan đến sự cố môi trường tại bốn tỉnh miền Trung vừa qua.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với tổ công tác của Chính phủ. Ảnh: VIỆT HÙNG
Cũng theo văn bản này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao cho Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương báo cáo kết quả về việc xử lý, xem xét kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan đến sự cố môi trường biển tại bốn tỉnh miền Trung.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương, đề xuất biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường cụ thể đối với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, các dự án Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang), dự án Núi Pháo (Thái Nguyên), dự án DAP Đình Vũ (Hải Phòng) để bảo đảm chắc chắn không tái diễn sự cố gây ô nhiễm môi trường, dự phòng kế hoạch, biện pháp xử lý nếu để xảy ra sự cố…
"Nhanh chóng hoàn chỉnh đề án thiết kế, lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc môi trường tại bốn tỉnh miền Trung trình Chính phủ. Cụ thể, tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục việc quan trắc môi trường biển tại bốn tỉnh, cập nhật và công bố thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cả nước biết và giám sát, nhất là tại các nhà máy, khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” - Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để tái diễn sự cố môi trường, không để hiện tượng "phạt để tồn tại”. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây bức xúc trong dư luận xã hội.