Bộ Tư pháp đề nghị lưu ý ứng xử, phát ngôn của luật sư trên mạng xã hội

(PLO)- Bộ Tư Pháp đề nghị nắm thông tin, tình hình hoạt động luật sư, trong đó lưu ý ứng xử, phát ngôn của luật sư trên mạng xã hội, trong quá trình tham gia tố tụng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1407/BTP-BTTP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động luật sư.

Theo công văn, thời gian gần đây, tình hình hoạt động hành nghề luật sư tại một số địa phương nổi lên một số hiện tượng như tổ chức hành nghề luật sư hợp tác với các tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu bằng các hành vi đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, hoặc “núp bóng” tổ chức hành nghề luật sư thay mặt và đại diện tổ chức tín dụng tiếp xúc với khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng để yêu cầu các khách hàng này thực hiện nghĩa vụ thanh toán bằng các hình thức vi phạm pháp luật (đe dọa, khủng bố…).

Luật sư có hành vi môi giới hối lộ, phát tán trên mạng xã hội những hình ảnh, bài viết chưa được kiểm chứng liên quan đến bí mật cá nhân hoặc bí mật của tổ chức có dấu hiệu phạm tội hình sự.

Các luật sư tham gia bào chữa tại một phiên tòa ở TAND Cấp cao tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Các luật sư tham gia bào chữa tại một phiên tòa ở TAND Cấp cao tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cạnh đó, có tình trạng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không phải là luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nhưng vẫn treo biển hiệu gây nhầm lẫn là luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự tại địa phương và hình ảnh, uy tín của nghề luật sư...

Để kịp thời chấn chỉnh và tăng cường phối hợp quản lý về hoạt động hành nghề của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chỉ đạo thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, Sở Tư pháp phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất để phát hiện kịp thời và xử lý vi phạm trong hoạt động hành nghề luật sư, trong đó các hoạt động “núp bóng”, “lợi dụng” hoạt động hành nghề luật sư để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Sở TT&TT và các cơ quan tiến hành tố tụng nắm thông tin, tình hình hoạt động luật sư, kịp thời chia sẻ thông tin liên quan, trong đó lưu ý ứng xử, phát ngôn của luật sư trên mạng xã hội, trong quá trình tham gia tố tụng.

Đoàn Luật sư nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 61 Luật Luật sư. Trong đó, lưu ý giám sát các luật sư thành viên, luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi của luật sư vi phạm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm