Bộ Tư pháp đề xuất gỡ bí 1 vụ về con nuôi

Sau khi nhận được thông tin từ báo Pháp Luật TP.HCM và đơn yêu cầu của gia đình chị Đào Thị Thông (ngụ quận 4, TP.HCM), Bộ Tư pháp đã đứng ra làm đầu mối giải quyết vụ bí thủ tục chuyển con nuôi cho người khác.

Bộ đã đưa ra giải pháp và đang phối hợp với TAND Tối cao để xử lý, bởi trong trường hợp này, thẩm quyền quan trọng nhất thuộc về tòa án.

Kẹt thủ tục để cha mẹ nuôi thứ hai nhận con

Như báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, vợ chồng anh NNĐ (ngụ quận 4) không có con nên đã nhận cháu NNĐQ (sinh ngày 2-5-2015) làm con nuôi. Cháu Q. được cấp giấy khai sinh với phần cha, mẹ đứng tên trên giấy là vợ chồng anh Đ.

Năm 2017, vợ chồng anh Đ. ly hôn, hoàn cảnh cả hai khó khăn, không còn khả năng nuôi dưỡng cháu Q. và không liên lạc được với mẹ ruột của cháu bé. Do đó, ngày 10-6-2018, anh Đ. viết giấy tay để vợ chồng chị Đào Thị Thông (cũng không có con) nuôi dưỡng cháu.

Sau đó, vợ chồng anh Đ. có đơn gửi TAND quận 4 yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi để tạo điều kiện cho vợ chồng chị Thông đăng ký giấy khai sinh mới cho cháu Q. do vợ chồng chị đứng tên làm cha mẹ. Tuy nhiên, ngày 28-8-2019, TAND quận 4 có thông báo trả lại đơn cho vợ chồng anh Đ. do đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự thuộc trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, vợ chồng anh Đ. không thể chấm dứt việc nuôi con nuôi và như thế, vợ chồng chị Thông cũng không thể làm thủ tục nhận nuôi cháu Q. được.

Cháu N.N.Đ.Q đang vui vầy bên gia đình mới. Ảnh: MINH CHUNG

Áp dụng Công ước quốc tế và Luật Trẻ em

Theo Bộ Tư pháp, việc vợ chồng anh Đ. không còn khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng bé Q. không phải là căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi. Việc TAND quận 4 trả lại đơn yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi của vợ chồng anh là phù hợp.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Công ước Quyền trẻ em năm 1989 mà Việt Nam là thành viên, lợi ích tốt nhất của trẻ em trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước, bao gồm cả tòa án.

Đây là nguyện vọng hết sức chính đáng của người dân, tôi rất thương và cam kết sẽ làm hết mình để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cháu Q. và cha mẹ nuôi mới của cháu.

 Nguyễn Thị Hảo, Cục trưởng Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp

TAND Tối cao cần giải thích, hướng dẫn tòa án địa phương thụ lý, giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi rơi vào các trường hợp như đã nêu.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM 

Mặt khác, khoản 3 Điều 5 Luật Trẻ em và Điều 2 Luật Nuôi con nuôi về bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em cũng là nguyên tắc hàng đầu khi các cơ quan bảo vệ trẻ em và đăng ký nuôi con nuôi ra các quyết định liên quan đến trẻ em.

Ngoài ra, để tránh việc nuôi con nuôi mà không đăng ký hoặc buộc phải đưa cháu vào chăm sóc tập trung tại cơ sở nuôi dưỡng (anh Đ. từng có ý định đưa cháu vào chùa), một giải pháp pháp lý để đảm bảo cháu Q. có người nuôi dưỡng hợp pháp là điều nên và phải làm.

Công văn của Cục Con nuôi gửi TAND Tối cao nêu rõ: Xuất phát từ những căn cứ và lý do nêu trên, Cục Con nuôi xin đề xuất có thể xem xét áp dụng Điều 3 Công ước Quyền trẻ em; khoản 3 Điều 5 Luật Trẻ em; các Điều 2, điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi để chấm dứt việc nuôi con nuôi. Điều này là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, bảo đảm trẻ em có cơ hội tìm gia đình thay thế khác phù hợp và đủ điều kiện nuôi dưỡng đến tuổi trưởng thành trong trường hợp cha mẹ nuôi không còn khả năng nuôi dưỡng.

Nói cách khác, chỉ có một bản án có hiệu lực pháp luật cho phép vợ chồng anh Đ. chấm dứt quan hệ cha mẹ nuôi - con nuôi với cháu Q. thì vợ chồng chị Thông mới có cơ sở để làm giấy khai sinh mới đứng tên là cha mẹ của cháu. Có như vậy mới hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho cháu Q.

Đề xuất của Bộ Tư pháp là hợp tình, hợp lý

Đây được xem là vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng do chưa từng có tiền lệ và chưa được pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên, theo nguyên tắc được ghi nhận tại Điều 4 BLTTDS, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng.

Đây là nguyên tắc mới được ghi nhận trong Bộ luật TTDS 2015.

Theo đó, tòa án có thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng để ra phán quyết, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy, đề xuất của Bộ Tư pháp là hợp tình, hợp lý.

PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm