Bỏ xe ở bến xe, sân bay: Chủ sở hữu xe đã thiếu thiện chí

(PLO)- Việc bỏ xe lại ở sân bay, bến xe có thể làm tăng nguy cơ gây cháy nổ và quyền và lợi ích hợp pháp của bên giữ xe cũng bị xâm hại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình trạng người dân bỏ xe ở sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe (BX) miền Đông và BX miền Tây tại TP.HCM ngày càng gia tăng. Số lượng người gửi xe tới nhận lại xe rất ít ỏi, số còn lại vẫn đang được lên danh sách chờ và có phần... vô vọng.

Mới đây, BX miền Tây được công an địa phương nhận giữ giúp một số xe ở bến mới có thêm khoảng không gian để trông, giữ xe phục vụ hành khách. Đối với các xe còn lại, hiện các BX và sân bay vẫn chưa tìm ra cách giải quyết. Khi xử lý xe bỏ lại ở sân bay hay BX cần lưu ý một số khía cách pháp lý.

bỏ xe lại ở Bến xe Miền Tây
Lượng xe bỏ lại ở Bến xe Miền Tây ngày càng gia tăng. Ảnh: NHƯ NGỌC

Một là, việc xác lập, thực hiện hợp đồng dịch vụ giữ xe là một giao dịch dân sự nên các bên phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực cũng như không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Hiện tượng bỏ lại xe cộ trong trường hợp này có dấu hiệu chủ sở hữu phương tiện đã thiếu thiện chí, trung thực trong quá trình xác lập và thực thi hợp đồng. Hệ quả là lợi ích công cộng bị xâm hại, đã làm suy giảm khả năng phục vụ cộng đồng của nhà ga, BX, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ… Đồng thời, quyền và lợi ích hợp pháp của bên giữ xe cũng bị xâm hại như không được thanh toán tiền công, tốn thêm chi phí trông giữ… Do vậy, đặt vấn đề xử lý xe cộ với tư cách đối tượng liên quan hợp đồng giữ xe là hoàn toàn chính đáng.

Hai là, việc xử lý xe cộ trong trường hợp này bản chất là thực thi những giới hạn quyền sở hữu đối với xe.

Theo đó, khi thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản, chủ thể phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại).

Chủ thể phải tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không được lạm dụng quyền để gây mất trật tự, an toàn xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Với những lý lẽ trên, bên cung cấp dịch vụ giữ xe có quyền xem đây là tài sản bị bỏ quên để chiếm hữu có căn cứ pháp luật.

Ba là, quy trình xử lý xe cộ phải được chia thành 2 loại: loại không được đăng ký (xe đạp, xe đạp điện) và loại được đăng ký lưu hành với chính quyền (xe gắn máy 2 bánh và ô tô).

Trong trường hợp này, cơ quan công an cần làm đầu mối xác định chủ sở hữu đối với phương tiện thuộc diện phải đăng ký (yêu cầu tất yếu) hoặc tiến hành thu hồi đăng ký đối với phương tiện để tạo tiền đề cho việc bên nhận giữ xe xác lập quyền chiếm hữu phương tiện (nếu có).

Trong bối cảnh triển khai ứng dụng VNEID do Bộ Công an phát triển trên nền tảng ứng dụng dữ liệu dân cư và Căn cước công dân có tích hợp thông tin về đăng ký phương tiện giao thông cá nhân, việc xác minh chủ sở hữu phương tiện để tiến hành xử lý càng thuận tiện, có cơ sở vững chắc hơn nhằm đảm bảo hài hòa nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên cũng như duy trì trật tự công cộng.

Xe vi phạm cũng bị bỏ lại

Theo đại diện Phòng CSGT Công an TP.HCM (PC08), trong năm 2023, lực lượng CSGT TP.HCM đã phát hiện, xử lý 651.585 trường hợp vi phạm, tạm giữ 156.313 phương tiện.

Đa phần các trường hợp vi phạm đều là về nồng độ cồn nên khung xử lý vi phạm tương đối cao, thậm chí cao hơn giá trị xe. Vì vậy, nhiều người đã bỏ xe khiến cho lượng xe tại các kho bãi tăng cao.

bỏ xe vi phạm ở TP.HCM
Kho tang vật vi phạm giao thông lớn nhất của Phòng CSGT Công an TP.HCM (PC08) Công an TPHCM ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đối với phương án giải quyết, đại diện PC08 cho biết những xe vi phạm, phòng sẽ giải quyết theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính nếu chủ phương tiện không đến nhận.

Hiện lượng xe vi phạm ở TP.HCM vẫn đang được thực hiện thanh lý theo tiến độ. Đồng thời, Phòng PC08 cũng lên các phương án để đảm bảo an toàn PCCC trong các kho bãi.

Đối với xe bị bỏ lại ở sân bay, BX, lãnh đạo phòng PC08 cho hay các phương tiện này là tài sản có chủ, được xác lập bằng quan hệ dân sự. Vì vậy, để giải quyết các phương tiện trên cần phải xác lập sở hữu toàn dân. Các đơn vị phải có văn bản rà soát thống kê, số khung, số máy, biển số xe và cần báo về UBND địa phương đang quản lý đơn vị đó, đồng thời báo tới công an quận để tìm ra phương án giải quyết.

ĐÀO TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm