Bộ Y tế đang tồn đọng 7.000 hồ sơ trang thiết bị y tế

(PLO)- Khoảng 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn đọng, trong khi nhân sự giải quyết hồ sơ chỉ có bảy người…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-3, tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý I-2023 do Bộ Y tế tổ chức, ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), đã lý giải nguyên nhân và hướng giải quyết khoảng 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế còn tồn đọng. Trong đó, nhiều hồ sơ đã nộp từ rất lâu.

Vẫn còn tâm lý e ngại

“Theo Nghị định 98, Bộ Y tế đã tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp số lưu hành. Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ nhiều, thời gian qua lại xảy ra một số vụ việc dẫn đến tâm lý e ngại trong việc đọc và thẩm định hồ sơ của các chuyên gia độc lập. Hiện nguồn nhân lực trực tiếp quản lý, xử lý hồ sơ chỉ có bảy người và còn phải kiêm nhiệm nhiều việc khác” - ông Hiếu nêu.

Tới đây, Bộ Y tế sẽ có cơ chế riêng cho thuốc hiếm, tạo hành lang thông thoáng giúp các cơ sở y tế có đủ thuốc phục vụ khám chữa bệnh.

Ông HÀ ANH ĐỨC, Chánh Văn phòng Bộ Y tế

Cũng theo ông Hiếu, các đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được năm lần sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Qua thống kê, hơn 90% hồ sơ đề nghị cấp số lưu hành phải sửa đổi, bổ sung.

“Sau mỗi lần bổ sung do thủ tục này được thực hiện trên cổng thông tin điện tử, doanh nghiệp có thể thay đổi toàn bộ nội dung, tài liệu đăng ký lưu hành khiến việc thẩm định phải đọc lại từ đầu. Thực tế, mỗi hồ sơ phải đọc nhiều lần làm tăng khối lượng công việc cho chuyên gia và chuyên viên trong khi nhân lực thì thiếu, rất thiếu!” - ông Hiếu nói thêm.

Do đó, Bộ Y tế đã triển khai giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 07 cho phép gia hạn hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31-12-2024. Cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Thông tư 19 để đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành. “Chúng tôi cam kết sẽ giải quyết các hồ sơ tồn đọng này tới ngày 31-12-2024” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Chụp CT scan cho bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Chụp CT scan cho bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, cho hay để đẩy nhanh xử lý hồ sơ tồn đọng, Bộ Y tế cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thủ tục giải quyết gọn gàng, tăng hiệu suất. Cùng với đó là đề xuất điều chỉnh phí thẩm định cho đội ngũ chuyên gia vì đây là công việc không hề nhẹ nhàng, trách nhiệm lại cao.

Sẽ có cơ chế riêng cho thuốc hiếm

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Nguyễn Việt Dũng, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hằng năm để có kế hoạch đảm bảo nguồn cung, đặc biệt là thuốc hiếm (hay còn gọi là thuốc mồ côi). Bộ đã chủ động báo cáo, đề xuất và được Chính phủ đồng ý tại Nghị quyết 30.

Về tình trạng thiếu thuốc hiếm tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế cho hay việc mua sắm thuốc hiếm được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc.

“Về cơ bản, nguồn cung tổng thể không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do khó khăn trong dự trù, xác định nhu cầu. Thực tế ghi nhận một số thuốc hiếm được mua về không sử dụng hết do không có bệnh nhân, phải hủy bỏ khi hết hạn” - ông Dũng cho hay.

Do đó, bộ dự kiến đề xuất một số cơ chế đặc thù cho vấn đề này. Thứ nhất, bố trí phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động dự trù thuốc hiếm. Thứ hai, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn. Cuối cùng là chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất thuốc hiếm, chủ động nguồn cung trong nước.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc trong danh mục hiếm dù chưa có giấy đăng ký lưu hành. Cho phép chuyển nhượng thuốc này giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Quy trình phê duyệt, thẩm định cũng được ưu tiên hơn, chấp nhận hồ sơ cả khi dữ liệu chưa hoàn chỉnh.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có. Danh mục này được điều chỉnh thường xuyên và hiện đang được quy định tại Thông tư 26/2019 của Bộ Y tế gồm 214 loại thuốc phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có.

Nâng mức hưởng phụ cấp cho công chức, viên chức y tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên mức 100%, áp dụng từ ngày 1-1-2022 đến hết 31-12-2023.

Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vì đây là cơ sở để động viên, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm