Tình trạng thiếu việc làm có thể kéo dài sang quý II-2023

(PLO)- TP.HCM dự báo năm 2023 tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng sẽ bị cắt giảm có thể đến hết quý I, thậm chí quý II-2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-3, tại TP.HCM, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị khảo sát tình hình quan hệ lao động các tỉnh, TP phía Nam hướng đến xây dựng đề án “Công đoàn tham gia xây dựng và phát triển quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ giai đoạn 2023-2028”.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM (đứng), đề xuất các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Bên cạnh là ông Kiều Văn Đồng. Ảnh: TN

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM (đứng), đề xuất các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Bên cạnh là ông Kiều Văn Đồng. Ảnh: TN

Người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm

Năm 2022, báo cáo của công đoàn các cấp cho thấy nhiều doanh nghiệp (DN) bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều người lao động.

Năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II-2023 dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.

Cần ban hành quy chế làm sao để những trợ cấp đến tay người lao động.

Đơn cử như Công ty TNHH PouYuen (gần 56.000 lao động) đã cho 18.000 lao động nghỉ luân phiên vào thứ Bảy hằng tuần. Trong quý I-2023, không tái ký hợp đồng lao động với khoảng 3.000 lao động và cắt giảm 3.000 lao động do không có đơn hàng.

LĐLĐ TP cũng nhận định: Tình trạng chủ DN bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH và các chế độ của người lao động sẽ ngày càng gia tăng; một số ít DN lợi dụng tình hình để thanh lọc, đẩy người lao động từ trên 35 tuổi ra khỏi DN để tuyển dụng lao động trẻ hơn, chi phí thấp hơn.

Nguyên nhân là do lao động trong các DN bị cắt giảm việc làm, DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do chi phí đầu vào cao. Bên cạnh đó, các DN trong nước bị cắt giảm đơn hàng từ nhà mua hàng nước ngoài. Nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản…), chênh lệch tỉ giá ngoại tệ, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, bất ổn chính trị tại các khu vực trên thế giới; lãi suất vay vốn trong nước cao…

Tôi đề xuất các cơ quan chức năng có những hỗ trợ để giúp người lao động vượt qua thời gian khó khăn này.

Đồng thời có những hỗ trợ để giúp DN địa phương tái tạo sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Ông KIỀU VĂN ĐỒNG, đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Gỗ LeeFu tại Khu công nghiệp Tam Phước, Đồng Nai

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về đơn hàng

Ông Kiều Văn Đồng, đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Gỗ LeeFu tại Khu công nghiệp Tam Phước, Đồng Nai, cho biết đơn vị sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, tính đến tháng 2-2023, DN chỉ còn khoảng 700 công nhân. Trước kia, thời kỳ cao điểm nhất có đến 4.000 lao động. Thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân của lao động tại DN là hơn 8 triệu đồng/người.

Trong hai năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các DN sản xuất, kèm theo đó là công việc của người lao động bị giảm sút. Công ty gặp khó khăn vì thiếu việc làm không thể tái tạo đơn hàng. Do đó, hiện số lao động bị cắt giảm tại DN này rất nhiều.

Tính đến thời điểm hiện tại, DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về đơn hàng. Vì vậy, trong thời gian qua có xảy ra tình trạng cắt giảm hợp đồng lao động.

Hiện DN rất nỗ lực để tìm kiếm và hy vọng có nhiều đơn hàng trở lại.

Đại diện Công ty TNHH Gỗ LeeFu cũng cho biết quy định về chế độ cho người lao động chưa thiết thực so với nhu cầu. Cần ban hành quy chế làm sao để những trợ cấp đến tay người lao động. “Chẳng hạn như vấn đề hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm giờ làm do DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đơn vị chúng tôi hiện vẫn chưa được hưởng” - ông Đồng nói.

Nguyên nhân là do chế độ được hưởng yêu cầu rất cao và để đến tay người lao động vẫn gặp một số trục trặc nên hiện tại người lao động vẫn chưa được hưởng.

“Làm thế nào để người ta được hưởng, chứ đừng cho trên văn bản” - ông Đồng nhấn mạnh.

Về vấn đề trên, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, đề xuất: “Kết nối, giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề, vị trí lao động. Chủ động sử dụng nguồn tài chính công đoàn để hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, lao động là người khuyết tật”.•

Đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động

Công đoàn tiếp tục nắm bắt đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các DN, nợ lương, nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động… để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đó là tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động. Đồng thời xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc của người lao động trên cơ sở giữ tối đa số lượng người lao động có việc làm, thu nhập.

Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm