Bộ Y tế đề xuất nới lỏng chính sách giảm sinh

Trong dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất nới lỏng chính sách giảm sinh. Theo đó, trong phương án 1 bộ này cho biết quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động về dân số và kế hoạch hóa gia đình được quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm với bản thân, gia đình, Nhà nước về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh.

Tuy nhiên, Nhà nước khuyến khích cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến hai con. Bộ Y tế cho biết trong thời gian tới mức sinh có khả năng biến động khó lường: Mức sinh tăng trở lại hoặc tiếp tục giảm xuống mức rất thấp như một số nước đã gặp phải; mức sinh được duy trì ở mức sinh thay thế có biện pháp, chính sách điều chỉnh thích hợp, có hiệu quả.

Chính vì thế, mục tiêu chính sách mà Bộ Y tế mong muốn là phải duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý để bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020, tạo cơ sở vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115-120 triệu người từ giữa thế kỷ 21.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cho rằng các cặp vợ chồng hiện nay đã tự đưa ra các quyết định sinh con một cách có trách nhiệm, từ sinh đông con, sinh dày đã chuyển sang sinh ít con, sinh thưa. 

Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Y tế xây dựng các chính sách trên cơ sở các quyền căn bản của con người và phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội và sự phát triển của đất nước.

Ông Tân khẳng định Tổng cục Dân số không khuyến khích, vận động gia đình sinh đông con nhưng cũng không khuyến khích vận động các gia đình sinh một con hoặc không sinh con.

chuyên gia nghiên cứu về chính sách dân số, GS-TS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số, lo ngại nếu không nới lỏng chính sách sớm, mức sinh sẽ ngày càng thấp. Hơn nữa, nếu thấp hơn mức sinh thay thế, nguy cơ Việt Nam sẽ đối mặt với hội chứng 4-2-1 giống như Trung Quốc (tức là cứ bốn người (ông bà nội, ngoại) mới có hai con và một cháu. Điều này sẽ phản ánh tỉ lệ già hóa dân số ở mức cao, ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội.

Vì vậy, để điều chỉnh chính sách dân số, Việt Nam phải nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, tránh tình trạng già hóa dân số, thiếu nhân lực ở độ tuổi lao động, tác động lớn đến kinh tế-xã hội.

Hiện nay Nhật Bản, Hàn Quốc đang phải nỗ lực thực hiện các biện pháp khuyến sinh nhưng rất khó khăn; Trung Quốc cũng đang nới lỏng dần chính sách sinh một con bằng chính sách sinh một con rưỡi hoặc hai con…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới