Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện phác đồ điều trị COVID-19 cho trẻ em

Trong bối cảnh học sinh cả nước quay lại học trực tiếp sau gần một năm học online, tại cuộc họp đầu tháng 2 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản với các tình huống có thể xảy ra khi học sinh đến trường học tập trung trở lại; không để bị động, lúng túng, bất ngờ. Đồng thời, Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện, ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn và phác đồ điều trị COVID-19 đối với người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em dưới 12 tuổi.

Ngoài bệnh nền, các nhóm trẻ dư cân, béo phì hoặc sinh non, nhẹ cân, dưới 12 tháng tuổi là nhóm có nguy cơ cao. Bên cạnh mắc COVID-19, trẻ có thể mắc thêm các bệnh cảnh khác như sốt xuất huyết, ruột thừa, cúm thông thường… khiến bệnh chồng bệnh nguy hiểm. Hoặc có những trẻ bị COVID-19 thoáng qua nhưng 2-6 tuần sau, trẻ có hội chứng viêm đa hệ thống với các dấu hiệu có thể nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa như sốt, đau bụng, ói, tiêu chảy, đỏ mắt, đỏ da hoặc bệnh Kawasaki.

BS CKII NGUYỄN MINH TIẾN

Các bệnh viện nhi đang điều trị theo hướng dẫn của bộ

Tại cuộc họp, GS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, đề xuất Bộ Y tế có hướng dẫn điều trị riêng cho trẻ mắc COVID-19 theo “hai tầng” là tự theo dõi, chăm sóc tại nhà và khi phải nhập viện điều trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng nếu không có các kịch bản phòng chống chi tiết, cụ thể khi có trường hợp học sinh nhiễm bệnh thì sẽ gây lúng túng cho các trường học cũng như lo lắng từ phụ huynh, xã hội. Theo Thứ trưởng Sơn, hiện tại các chuyên gia đang tích cực xây dựng để hoàn thiện phác đồ điều trị sớm nhất có thể.

Về quá trình điều trị COVID-19 cho trẻ em, từ tháng 11-2021, Bộ Y tế đã có Quyết định 5155 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em.

Bệnh nhi COVID-19 đang điều trị tại Khoa COVID-19 BV Nhi đồng 2. Ảnh: HOÀNG LAN

Theo hướng dẫn này, phần lớn trẻ em mắc COVID-19 đều không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng.

Trẻ mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ, vì thế tỉ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn. Hội chứng viêm hệ thống đa cơ quan ở trẻ mắc COVID-19 hiếm gặp, xảy ra chủ yếu ở 2-6 tuần sau nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng thường diễn tiến nặng và có thể gây tử vong…

Hướng dẫn có chi tiết các cách xử lý trong từng trường hợp, trong thời gian chờ phác đồ điều trị COVID-19 cho trẻ em, các BV vẫn áp dụng hướng dẫn này.

Số ca có thể tăng nhưng không nặng

Để chuẩn bị tình huống số ca mắc COVID-19 ở trẻ em tăng khi trở lại học trực tiếp, các BV chuyên điều trị COVID-19 trẻ em đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án.

Tại BV Nhi đồng 1, ThS-BS Nguyễn Thành Đạt, Phó Phòng kế hoạch tổng hợp, cho biết BV đã thành lập Khoa COVID-19 và Khoa hồi sức tích cực nhiễm - COVID-19. Trong đó, Khoa COVID-19 có quy mô 120 giường và Khoa hồi sức tích cực nhiễm - COVID-19 có quy mô 25 giường gồm 15 giường hồi sức nhiễm và 10 giường hồi sức COVID-19.

“Với cơ sở vật chất sẵn có và sự thành lập hai khoa trên, BV hoàn toàn có đầy đủ khả năng tiếp nhận và điều trị bệnh COVID-19 cho trẻ em khi ca bệnh COVID-19 tăng ở thời điểm trẻ đi học lại” - BS Đạt cho hay.

Tại BV Nhi đồng TP, BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP, cho biết BV cũng đã thành lập Khoa COVID-19 với quy mô 100 giường. Hiện tại, BV chỉ còn 10 ca bệnh nặng, chủ yếu có bệnh nền. Trong thời gian cao điểm, BV từng tiếp nhận hơn 460 ca mắc COVID-19, do đó nếu ca bệnh tăng, BV đã có các phương án dự phòng.

PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Phó Khoa hồi sức tích cực chống độc BV Nhi đồng 1 kiêm Trưởng khoa COVID-19, cho biết hiện Khoa COVID-19 của BV Nhi đồng 1 chỉ còn 26 ca bệnh. Với quy mô 150 giường bệnh, BV hiện đáp ứng nhu cầu điều trị COVID-19 tăng trong thời gian tới.

BS Nguyên nhận định nếu đi học lại, số ca bệnh có thể lây theo từng nhóm nhưng số trẻ nặng không nhiều vì TP.HCM đang là vùng xanh, tỉ lệ chích ngừa cao, hầu hết trẻ trong độ tuổi chích ngừa từ 12 tuổi trở lên không nhập viện, trẻ đi học hầu hết là bình thường và không có bệnh nền nặng. Theo BS Nguyên, khi trẻ đến độ tuổi được cho phép chích ngừa, các phụ huynh nên cho trẻ chích ngừa, đặc biệt các trẻ có bệnh nền và béo phì càng khuyến khích chích ngừa.

Để hạn chế số ca nhiễm, các trẻ cần được tập huấn tuân thủ 5K và được sàng lọc các triệu chứng để phát hiện bệnh. Trường học cần chuẩn bị môi trường vệ sinh sạch sẽ, thông khí… “Các trẻ phải được hướng dẫn thực hành mang khẩu trang, rửa tay đúng cách, giữ khoảng cách với nhau khoảng 1 m, như vậy khả năng lây bệnh sẽ không đột biến” - BS Nguyên nói.•

 

Hai nhiệm vụ quan trọng hạn chế khả năng tăng nặng bệnh ở trẻ

Thứ nhất, đảm bảo trẻ diễn biến nhẹ phải được chăm sóc đầy đủ ở tầng thấp, phát hiện sớm diễn biến nặng, lực lượng y tế cơ sở phải đảm nhiệm được. Điều này sẽ giúp giải quyết tình huống gia đình khi có trẻ thành F0 rất dễ lo lắng, lúng túng và có nhu cầu đi BV trong khi điều đó không cần thiết với trẻ mắc nhẹ. 

Thứ hai, việc nâng cao năng lực điều trị ca bệnh nặng rất cần thiết vì thực tế số bệnh nhi diễn biến nặng ít nhưng số cơ sở hồi sức nhi nhỏ tuổi cũng rất ít. Yêu cầu phải tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực điều trị nhi khoa, chuyển giao kỹ thuật.

BS NGUYỄN TRUNG CẤP, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm