Bộ Y tế lý giải nguyên nhân dẫn đến số ca tử vong, ca nặng còn cao

Chiều 1-12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Y tế và 10 địa phương (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang…) về công tác điều trị, giảm tử vong do dịch COVID-19.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, tính đến 17h ngày 30-11, cả nước có 101.405 ca theo dõi và điều trị tại nhà; hơn 99.000 ca điều trị tại các bệnh viện. Số ca nặng, nguy kịch cần thở oxy là 4.056 ca (chiếm 4%) tổng số ca đang điều trị; 1.014 ca thở máy, chiếm 1,9% tổng số ca đang điều trị. Số ca triệu chứng nhẹ, không triệu chứng chiếm 85%.

Thiếu nhân lực tầng 2 và 3

Qua phân tích của các chuyên gia và khảo sát các địa phương, ông Khoa nêu một số nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong còn cao. Cụ thể, trong thời gian đầu của đợt dịch lần này, số ca mắc mới tăng nhanh, đột ngột gây quá tải hệ thống bệnh viện.

Với việc quản lý F0 tại nhà, một số trường hợp tự phát hiện nhưng không báo cơ sở y tế hoặc báo cáo nhưng chưa được can thiệp kịp thời; phân loại nguy cơ chưa sát theo hướng dẫn. Một số trường hợp sử dụng thuốc tại nhà chưa theo hướng dẫn của Bộ Y tế như dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm.

Nhân lực ở tầng điều trị thứ 2, thứ 3 của nhiều địa phương gặp khó khăn do các lực lượng hỗ trợ đã rút về; lúng túng trong điều phối chuyển viện, chuyển tầng, không theo sát nguy cơ và gây quá tải hệ thống bệnh viện.

Việc quản lý phân loại nguy cơ F0 tại cơ sở cách ly tập trung còn chưa được phát hiện kịp thời, dẫn đến các ca chuyển nặng. Năng lực hồi sức ở các bệnh viện tuyến tỉnh còn hạn chế, cần thời gian để nâng cao năng lực, trong khi đó, còn bỏ sót xử trí bệnh nền; chưa chú trọng đúng mức chẩn đoán điều trị bội nhiễm (nhiễm nấm, vi khuẩn đa kháng).

Trên cơ sở đó, đại diện Bộ Y tế đề xuất tiếp tục cập nhật hướng dẫn điều trị, nâng độ tuổi nguy cơ cao trên 50 tuổi (tỷ lệ tử vong 84%), điều chỉnh phân tầng hợp lý. Các cơ sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý F0 tại cộng đồng; tăng cường đội y tế lưu động; hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng cao; giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm tử vong…

Đề nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ thuốc điều trị

Qua nghe báo cáo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị đánh giá lại tất cả các khâu, trong đó các cơ sở thực hiện ngay phân loại bệnh nhân; quản lý điều trị F0 tại nhà chắc chắn; tăng cường nhân lực điều trị COVID-19; rà soát năng lực hồi sức tích cực, bảo đảm hệ thống oxy y tế; theo dõi, giám sát, chăm sóc các bệnh nhân…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương bảo đảm đầy đủ trang thiết bị bảo hộ an toàn, chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế, nhất là khi dịch bệnh còn kéo dài, nhiều người đã làm việc không ngừng tại các cơ sở điều trị ròng rã hàng tháng liền.

Trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, bên cạnh thuốc điều trị, cần hết sức lưu ý đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng, động viên, chăm sóc về tinh thần.

Đồng thời, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ thuốc điều trị, nhất là thuốc kháng virus cho các địa phương; hoàn thiện quy trình điều trị tại nhà, trong đó có cơ chế giám sát y tế đến từng bệnh nhân, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm.

“Dứt khoát không để bệnh nhân ở nhà mà không được thăm khám từ xa. Phải kết hợp với chăm sóc trên thực địa”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở, trung tâm điều trị đủ lớn, nhiều tầng trong tình huống ca bệnh tăng lên để khắc phục bất cập trong chuyển tuyến giữa các bệnh viện khác nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm