Sau khi Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (GDĐH) Nguyễn Thị Kim Phụng lên tiếng về văn bằng gắn với tên vị trí việc làm (bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư…), trưa 6-11, đại diện Bộ Y tế tiếp tục đưa ra những góp ý đến Luật GDĐH.
Cụ thể theo ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Luật GDĐH không thể hòa trộn hoặc lẫn lộn về chương trình đào tạo và năng lực giữa cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ với bác sĩ, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và nội trú.
Theo nguyên lý tiếp cận, đây là loại hình đào tạo chuyên sâu mà nước nào cũng có, thuộc bậc đào tạo sau tốt nghiệp ĐH. Dẫn chứng về quy định đào tạo các đối tượng trong văn bản pháp luật ở nhiều nước, ông Lợi giới thiệu về mô hình của Indonesia và Trung Quốc (theo tài liệu hiện có là văn bản Luật GDĐH - Higher Education Law).
Thứ nhất, về Luật GDĐH của Indonesia: Có các quy định về văn bằng của giáo dục chuyên nghiệp và chuyên gia (professional, specialist). Ông Lợi cho rằng nếu đó là luật GDĐH y khoa thì mọi người sẽ công nhận ngay đó là bác sĩ, chuyên khoa 1 hay chuyên khoa 2 như ở Việt Nam nhưng đây là luật chung nên chỉ gọi chung là chuyên nghiệp và chuyên gia.
Chương trình đào tạo ở Indonesia được Bộ Y tế dẫn chứng.
Chương trình đào tạo ở Trung Quốc được Bộ Y tế dẫn chứng.
- Điều 1 xác định GDĐH Indonesia có giáo dục học thuật (Academic Education), giáo dục nghề nghiệp (Vocational Education), giáo dục chuyên nghiệp (Professional Education). Trong đó xác định: “Giáo dục chuyên nghiệp là GDĐH sau khi hoàn thành chương trình cử nhân để chuẩn bị cho sinh viên làm các việc đòi hỏi một trình độ chuyên nghiệp cụ thể (specific qualification)”.
- Điều 24, 25 và 26 của luật cũng nêu rõ thẩm quyền là do chính phủ chủ trì. Điều 24 cũng xác định sinh viên tốt nghiệp của giáo dục chuyên nghiệp sẽ được cấp bằng chuyên nghiệp hoặc chuyên gia.
Thứ hai, về Luật GDĐH của Trung Quốc. Qua tài liệu thu thập được, Trung Quốc tiếp cận theo hướng công nhận tương đương như tài liệu ISCED 2011 của UNESCO. Nội dung được quy định trong Điều 19 của luật.
Về tên trình độ và văn bằng được xác định rõ có: Cử nhân hoặc tương đương (Bachelor’s or equivalent level), cử nhân chuyên nghiệp hoặc tương đương (Bachelor’s or equivalent level, profesional), thạc sĩ hoặc tương đương (Master’s or equivalent level) và tiến sĩ hoặc tương đương (Doctor’s degree or equivalent).
“Tôi tin rằng các tài liệu này ban soạn thảo đã tiếp cận. Tôi cho rằng trong xu hướng hội nhập quốc tế, đặc biệt là chúng ta đã tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN và đã ký thỏa thuận công nhận văn bằng với Trung Quốc thì dù theo hướng nào cũng cần quy định rõ trong luật để vừa xác định cơ cấu giáo dục của Việt Nam, vừa có cơ sở tham chiếu với các nước, vừa đảm bảo tính khách quan và công bằng cho người học. Có như vậy, hệ thống thể chế của Việt Nam mới từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tính đồng bộ và hội nhập quốc tế” - ông Lợi cho hay.