Chiều 12-3, tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM), TS Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chủ trì tọa đàm Xói mòn hôn nhân, làm sao để tránh? Tọa đàm thu hút rất nhiều câu chuyện từ phía những người đã lập gia đình.
“Chiến tranh lạnh” vì một quả chanh
Cho rằng bất đồng có thể xảy ra từ những điều nhỏ nhặt, nhà báo Tố Phương, khách mời tham gia chương trình, chia sẻ câu chuyện: “Có cô vợ chia sẻ câu chuyện với tôi rằng thói quen ăn uống của họ khác nhau nên thường xảy ra xung đột. Có hôm luộc rau muống xong, người vợ dùng nước luộc rau đó vắt thêm chanh vào để làm nước canh nhưng người chồng thì khăng khăng là phải cắt cà chua vào chứ không cho vợ vắt chanh. Vì không ai chịu nhường ai nên hai người cãi cọ rồi chiến tranh lạnh với nhau suốt nhiều ngày”.
Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, giữa vợ và chồng không nên quá chấp nhặt vì bản thân mỗi người đều có thói quen khác nhau trong sinh hoạt. “Dễ dàng thôi, chúng ta có thể chia thành hai chén canh nhỏ rồi tự thêm vào những thứ mà mình thích là được. Mỗi người trong gia đình cần biết cách điều chỉnh để ai cũng cảm nhận được sự tôn trọng của đối phương dành cho mình. Nếu cứ khư khư bắt đối phương phải phục tùng, nghe theo mọi điều mình muốn thì không ổn” - TS Hồng chia sẻ.
Anh Hải, một người tham dự chương trình, thắc mắc rằng phải làm sao để vợ có thể hiểu ý mình khi anh luôn cố để phân tích vấn đề còn vợ anh lại cứ phớt lờ và nói những câu mất lòng. “Tôi cảm thấy cô ấy rất “đoảng”, khi nhiều chuyện nhỏ nhặt như dạy con học bài ở nhà cũng có chuyện để hai vợ chồng gây nhau” - anh Hải nói.
TS Nguyễn Thị Bích Hồng trao đổi với người đến dự tọa đàm. Ảnh: THANH TUYỀN
“Bất kỳ trường hợp nào của vợ/chồng mình cũng không nên xem đó là nhược điểm của đối phương và bảo rằng họ “đoảng” quá không chịu được. Không nên bắt họ phải giống hệt mình, thay đổi theo bản thân mình. Lúc đó nhiều khi cô ấy vặn ngược lại là cách của vợ lại hay hơn, tại sao chồng không thay đổi mà bắt vợ phải thay đổi theo. Đừng vội cau có hay bực dọc với nhau khi có bất đồng mà phải biết bình tĩnh ngồi lại với nhau để phân tích, làm rõ câu chuyện” - TS Hồng phân tích.
Ngày càng nhiều gia đình “bữa cơm một tô”
Đời sống đô thị với guồng quay của công việc, nhiều gia đình dường như không có sự gắn kết giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái. Người chồng đi làm và luôn bận rộn với các mối quan hệ bên ngoài nên thường bỏ bữa cơm tối ở nhà, vợ cũng có công việc và phải lo cho con cái nên sẽ khó mà chu toàn. Nhiều lần như vậy, thay vì cùng nhau ngồi ăn một mâm cơm thì giờ vợ con ở nhà ăn trước, chồng về ăn sau hoặc nhậu xỉn rồi thôi khỏi ăn. Có khi mỗi người đơm một tô cơm ra rồi ai ngồi góc đó cho nhanh, tiết kiệm thời gian. Dần dà “bữa cơm một tô” trở nên phổ biến và tình cảm gia đình cũng rạn nứt theo, nhà báo Tố Phương nhận định.
TS Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng khi cả hai người bị cuốn quá nhiều vào guồng quay công việc của xã hội thì nền tảng gia đình rất dễ lung lay. Mỗi người cần học cách tổ chức nếp sống thật cân bằng giữa công việc - gia đình - sức khỏe và chuẩn bị kiến thức tiền hôn nhân thật tốt để không phải quá khó khăn khi va chạm trong đời sống vợ chồng. Cách tốt nhất là hãy học cách tổ chức cuộc sống từ chính gia đình mà mình đang sống.
Chỉ có 25% số người rất hạnh phúc Tại buổi tọa đàm Xói mòn hôn nhân, làm sao để tránh? do báo Phụ Nữ và Công ty Nghiên cứu thị trường TITA tổ chức vào chiều 12-3 đã công bố kết quả nghiên cứu về 400 người đã kết hôn, từ 18 đến 55 tuổi tại Hà Nội và TP.HCM trong dự án “Đời sống hôn nhân gia đình đô thị”. Theo đó, chỉ có 25% số người cảm thấy rất hạnh phúc so với 32% số người cảm thấy bình thường, không có gì đặc biệt với cuộc sống hôn nhân của mình. Đây là sự vỡ mộng rất lớn từ người bạn đời vì hầu hết trong số họ (99%) đã từng cảm thấy rất hài lòng lúc mới cưới. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có gần 1/3 số người bức xúc về thói tiêu xài hoang phí của vợ/chồng. Trên dưới 20% số ông chồng thường cảm thấy stress với việc “bị” vợ ghen tuông và kiểm soát. Còn về phía các bà vợ cũng có một tỉ lệ tương đương cảm thấy khó chịu vì các mối quan hệ bạn bè và các “bệnh” khác của chồng như cờ bạc, rượu chè, hút xách, làm biếng và sĩ diện. Đối với nhóm “rất hạnh phúc” thì buổi tối là “giờ vàng” cho các hoạt động chung như cùng ăn tối, trò chuyện, chơi đùa... trong khi nhóm “bình thường” thì thường hoạt động cá nhân như làm việc riêng (50%), giải trí theo cách riêng (17%), về nhà trễ (10%). _________________________________ Kết quả nghiên cứu đời sống hôn nhân gia đình đô thị cho thấy nhóm “rất hạnh phúc” nhìn nhận bản thân mình và bạn đời đều có những đức tính tốt và xấu khá tương đồng nhau, trong khi nhóm “bình thường” lại thấy mình tốt (và ít có điểm xấu) hơn bạn đời rất nhiều. Do vậy, cần học cách khám phá và tập trung vào ưu điểm của bạn đời, nhìn tích cực về nhau. Ngay bản thân cũng tự điều chỉnh để tạo thêm những ưu điểm mới cho mình. Ông PHAN QUANG THỊNH, Giám đốc dự án khảo sát |