"Bom nổ chậm" từ confession của sinh viên đại học

(PLO)- Với hình thức “ẩn danh”, confession ở các trường ĐH thu hút hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn thành viên tham gia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các trang confession (được dịch là sự thú tội hoặc thú nhận) thường do một cá nhân hoặc một nhóm người lập nên trên mạng xã hội Facebook. Bên cạnh lợi ích là nơi chia sẻ tâm tư dành cho sinh viên (SV), nhiều thông tin phản ánh, bày tỏ bức xúc, thậm chí đả kích, xuyên tạc được đăng tải ngày càng nhiều khiến không ít trường ĐH phải đau đầu ứng phó.

Kênh thông tin nắm bắt tình hình

Với lượng thành viên từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn người, mỗi ngày từng trang confession xuất hiện nhiều bài viết, thường thu hút tương tác rất lớn, nhất là với những chủ đề bày tỏ bức xúc liên quan đến học tập, trường lớp, thầy cô, bạn bè...

Lướt qua một số trang confession ở các trường, hàng loạt những thông tin phản ánh, bức xúc được đăng tải liên tục, từ việc bất nhất trong thu học phí của trường đến lịch học bất ngờ thay đổi, không có chỗ để xe, thái độ của giảng viên thậm chí cách hành xử của cán bộ Đoàn, hội, của từng sinh viên cũng được đề cập trên confession.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực tế, thời gian qua, nhiều thông tin phản ánh mà SV đăng tải trên các trang này đã được trường lắng nghe, giải quyết kịp thời. Như cách đây không lâu, trên một trang confession của ĐH Quốc gia TP.HCM xuất hiện bài viết dài có nội dung về việc nam sinh Trường ĐH KHXH&NV bức xúc khi bị quay lén trong nhà vệ sinh nam vào giờ giải lao. Lập tức bài viết đã thu hút hàng ngàn người theo dõi, gần 800 bình luận và hàng trăm lượt chia sẻ.

Ngay sau đó, phía trường đã tiếp nhận và xác minh thông tin để kịp thời chấn chỉnh, đồng thời cán bộ phụ trách bị “tố” trong bài viết cũng thừa nhận sai và gửi lời xin lỗi đến SV.

Gần đây nhất là vụ việc SV viết lên trang HUFLIT Confession (Trường ĐH Ngoại ngữ và tin học TP.HCM) bày tỏ bức xúc về một vị diễn giả đến trường chia sẻ về chủ đề khởi nghiệp nhưng đi quá trễ. Vị này còn có những câu nói không phù hợp khiến SV phản ứng. Sau đó, phía trường và đơn vị phối hợp tổ chức đã lắng nghe và có công văn thông tin rõ sự việc và hứa sẽ rút kinh nghiệm trong khâu sàng lọc nội dung của các diễn giả.

“Nín thở” theo dõi confession

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, trưởng phòng Công tác SV của một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng trường luôn xem các confession là một kênh để lắng nghe ý kiến, tâm tư của người học. Tuy nhiên, trường luôn ở vào thế “bị động” vì SV sử dụng và đăng tải ngày càng nhiều, có những tình huống vừa xảy ra chỉ vài phút sau mở điện thoại đã thấy rần rần trên mạng.

“Trường có hàng chục ngàn SV, trong khi nhân sự phụ trách công tác SV rất ít, lại phải bao quát nhiều hoạt động từ học tập, phong trào, thi đua, kế hoạch liên tục… nên nhiều khi không thể nghe ngóng kịp thời tâm tư của các em. Có những khi đến trường, trước khi làm việc hay chuẩn bị ra về, tôi hoặc đồng nghiệp phải lướt vài phút các confession, thấy nay không có phốt gì về trường mới yên tâm” - vị này bày tỏ.

Theo vị này, hiện trường đang theo dõi để đánh giá lại hiệu quả các kênh tương tác với SV bằng những tiêu chí cụ thể, từ đó sẽ đề xuất phương án quản lý phù hợp nhất.

Vừa là chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm vừa làm công tác quản lý, ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thừa nhận trường có bộ phận để theo dõi các trang mạng của người học. Có những thông tin SV phản ánh đúng, mang tính góp ý về các vấn đề như thái độ giảng viên, lịch học, nơi gửi xe, cơ sở vật chất, học phí… trường sẽ tiếp nhận để giải quyết kịp thời.

“Tuy nhiên, trường rất khó kiểm soát các thông tin mang tính đả kích, cố tình “bóc phốt” để câu view, làm ảnh hưởng đến uy tín của người khác hoặc của trường. Thường khi đó trường sẽ tìm cách làm việc với admin của các trang này để phổ biến lại thông tin đến SV” - ông Nguyên cho hay.

Về giải pháp lâu dài, theo ông Nguyên, quan trọng là các trường, kể cả bậc THPT phải làm tốt công tác tư tưởng cho các em và phổ biến, hướng dẫn kỹ năng sử dụng mạng xã hội để làm sao các em biết chọn lọc thông tin, sử dụng ngôn ngữ phù hợp…

Ông Nguyên cũng đề xuất cần tăng cường quản lý từ các cơ quan chức năng theo luật về an ninh mạng vì đây là các trang tự phát có quy mô, nhiều thông tin có nội dung xuyên tạc, ngôn từ xúc phạm gây tổn thương, làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều đơn vị, tổ chức liên quan.

Ba bước sử dụng mạng xã hội thông minh

Một trong những cái hay cần được phát huy của confession là tính ẩn danh vì sẽ tạo cho người chia sẻ một cảm giác an toàn. Tuy nhiên, điều này cũng trở thành “con dao hai lưỡi” khi dễ dàng đăng tải thông tin vu khống, thiếu tính xác thực.

Do đó, người sử dụng mạng xã hội thông minh cần có một số bước sàng lọc trước khi bình luận hoặc chia sẻ để tránh vô tình tiếp tay cho những thông tin xấu, độc lan tỏa. Cụ thể:

Thứ nhất, bạn có thể xác minh thông tin này ở đâu? Những dẫn chứng bạn đang được thấy là gì, có dễ ngụy tạo và thiếu tính thuyết phục không, nhất là với các bài viết có chủ đề nóng của xã hội như ngoại tình, tấn công tình dục, quỵt tiền,…

Thứ hai, cân nhắc kỹ việc nếu lan tỏa thông tin này có gây ra sự đau khổ cho cá nhân hoặc tổ chức hay không?

Thứ ba, khi những vấn đề nhạy cảm đánh thẳng vào cảm xúc và khiến bạn cảm thấy tức giận, bức xúc, hãy tạm ngưng việc tiếp tục đọc, tìm kiếm thông tin và thay thế bằng các hoạt động khác trong ít nhất 1-2 tiếng. Khoảng thời gian này cũng để bạn bình tĩnh lại, suy xét thật kỹ vấn đề trước khi quyết định tham gia chia sẻ.

Ông ĐÀO LÊ TÂM AN, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành tâm học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

----------------

Theo Điều 101 Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, người vi phạm có thể bị phạt tiền 10 - 30 triệu đồng.

Ngoài ra, với một số hành vi người vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp người sử dụng lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Luật sư LÊ VĂN HOAN,Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm