Tuyển sinh đầu cấp: Áp lực “rồng vàng”

(PLO)- Năm học 2023-2024, số lượng học sinh vào lớp 6 tăng đột biến do lứa tuổi “rồng vàng” nên các quận, huyện căng mình sắp xếp chỗ học, trong khi trường lớp chưa kịp xây mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu tháng 4, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2023-2024.

TP.HCM sẽ phấn đấu 100% đăng ký và nhập học theo hình thức trực tuyến. Theo kế hoạch, từ ngày 11-5, phụ huynh đăng ký trực tuyến vào mầm non, lớp 1 và lớp 6.

Căng mình đón “rồng vàng”

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho biết năm học tới, số học sinh (HS) tốt nghiệp THCS (lớp 9) khoảng trên 6.000 em, trong khi đó số HS vào lớp 6 khoảng 9.500 em. Như vậy, số HS đầu vào tăng 1,5 lần so với số HS ra trường. Đây chính là áp lực lứa “rồng vàng” (sinh năm 2012). Cách đây năm năm, bậc tiểu học đã phải gánh một đợt tương tự. “Quận đang phải tìm mọi cách để đáp ứng chỗ học” - ông Thanh nói.

Để có đủ chỗ học cho HS lớp 6, các khối lớp trên phải tăng sĩ số, dồn lớp. Nhiều năm qua, bậc THCS luôn được học hai buổi/ngày nhưng năm tới tỉ lệ này sẽ phải giảm xuống để nhường phòng cho lứa “rồng vàng”. Ngoài ra, phòng cũng đang tính toán thực hiện dạy hai buổi/ngày kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp theo chủ trương chung của Bộ GD&ĐT.

Một tiết học của học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp, TP.HCM). Ảnh: NTCC

Một tiết học của học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp, TP.HCM).
Ảnh: NTCC

Tương tự, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, cũng cho biết số lượng HS vào lớp 1 tăng nhẹ nhưng HS vào lớp 6 tăng mạnh, tăng hơn 1.000 em. “Phòng GD&ĐT vẫn bằng mọi cách đảm bảo chỗ học cho các em và cố gắng duy trì tỉ lệ học hai buổi ở cấp này khoảng 30%. May mắn, năm học này quận đã hoàn thành nhiều ngôi trường xây mới trên nền cũ để đảm bảo cho việc tuyển sinh năm học mới như Trường THCS Ngô Quyền…” - ông Huy chia sẻ.

Tại quận 12, địa bàn luôn “nóng” về áp lực tăng dân số cơ học, năm học 2023-2024, hơn 10.000 HS sẽ hoàn thành chương trình tiểu học công lập. Quận dự kiến tuyển sinh 211 lớp 6, trong đó có 44 lớp học hai buổi/ngày. “Tổng số HS THCS tăng so với năm trước gần 3.700 HS, trong đó lớp 6 tăng 1.800 em. Vì thế, áp lực để giải quyết chỗ học cho HS rất lớn” - đại diện Phòng GD&ĐT cho biết.

Dè dặt khảo sát vào lớp 6

Theo UBND TP.HCM, năm học 2023-2024, việc tuyển sinh vào lớp 6 được thực hiện theo hình thức xét tuyển. Riêng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và các trường thực hiện chương trình chất lượng cao “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” nếu có nhu cầu thì có thể kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực. Như vậy, sau nhiều năm, ngoài Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sẽ còn nhiều trường theo mô hình “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” có thể tổ chức khảo sát. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều địa phương cho biết họ vẫn thực hiện cách thức xét tuyển như cũ.

Tại quận Gò Vấp có Trường THCS Phan Văn Trị thực hiện theo mô hình “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”. Năm học tới trường này vẫn thực hiện xét tuyển vào lớp 6 theo các tiêu chí như năm trước, đặc biệt trong đó có yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ. “HS đã phải trải qua một kỳ thi Cambridge được tổ chức nghiêm túc để lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Do đó, việc tổ chức khảo sát đầu vào là không cần thiết. Hơn nữa, mô hình Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa khác với mô hình “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”. Trường THCS Phan Văn Trị đang phấn đấu đầu ra với tiếng Anh là bằng B2” - trưởng Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp nói.

Tương tự, lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận 12 cho biết Trường THCS Nguyễn Chí Thanh vẫn thực hiện xét tuyển lớp 6 kèm theo các tiêu chí như trước.

Trong khi đó, tại quận Tân Bình, mô hình “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” mới chỉ được xây dựng ở bậc tiểu học với Trường Tiểu học Đống Đa và bậc mầm non với Trường Mầm non 14. “Phòng GD&ĐT cố gắng duy trì và đảm bảo các tiêu chí mô hình tiên tiến ở hai trường này, còn bậc THCS chưa thể xây dựng do áp lực sĩ số quá đông” - ông Trần Khắc Huy nói.

Học sinh không có mã định danh sẽ được giải quyết ra sao?

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, đối với trẻ đăng ký vào học lớp 1 và HS đăng ký xét tuyển vào lớp 6, tuyển sinh trực tuyến gồm hai giai đoạn là kiểm tra thông tin đăng ký và xác nhận nhập học.

Do đó, tất cả trẻ trong độ tuổi đều phải được khai báo và cập nhật thông tin lên hệ thống trục cơ sở dữ liệu về tuyển sinh của ngành. Trong đó, thông tin về nơi ở hiện tại cần được rà soát và cập nhật chính xác, có mã định danh của HS.

Trường hợp HS không có mã định danh, hệ thống hiện tại đã hỗ trợ cấp mã tạm cho các em và các em vẫn được tham gia xét tuyển trong đợt 1 để đảm bảo quyền lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm