Ngày 17-2 (giờ địa phương), người phát ngôn Lầu Năm Góc thông báo như trên. Lầu Năm Góc nhận định bọn chúng rút đi rất có tổ chức và trật tự nhưng không nêu rõ vị trí rút quân.
Từ ngày 6-11-2016, Các lực lượng Dân chủ Syria (liên quân người Kurd và Ả Rập) được liên minh do Mỹ đứng đầu yểm trợ đã mở đợt tấn công vào cứ điểm Raqqa nhằm bao vây, cô lập bằng cách cắt đứt các trục giao thông từ Raqqa với bên ngoài.
Lầu Năm Góc đánh giá sau hơn ba tháng tấn công, mục tiêu trên đã gần đạt được. Bọn IS chỉ còn kiểm soát con đường duy nhất ở phía đông nam Raqqa, dọc bờ bắc sông Euphrates, nối liền Raqqa với Deir Ezzor. Các con đường dẫn đến phía bắc và phía tây đã bị phong tỏa. Trên đường dẫn về phía nam, các cầu trên sông Euphrates đều đã bị đánh sập.
Trong những tháng tới, IS có thể sẽ thay đổi hình thái hoạt động, tinh giản đội hình và chuyển vào hoạt động bí mật trong sa mạc. Hiện thời, kế hoạch cụ thể tái chiếm Raqqa thế nào vẫn chưa được công bố. Nguyên nhân có thể do liên minh chưa xác định được vai trò sắp tới của lực lượng dân quân của người Kurd mang tên Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG). Thổ Nhĩ Kỳ xem lực lượng này là tổ chức khủng bố và đang đề nghị thay bằng quân của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, ngày 17-2 tại Đức, nội chiến Syria đã trở thành chủ đề chính trong hội nghị quy tụ các nước bảo trợ phe đối lập Syria được tổ chức tại Bonn (Đức) bên lề hội nghị các nước G20. Các nước bảo trợ gặp nhau lần đầu nhằm nhất trí một giải pháp chính trị cho cuộc chiến Syria. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel khẳng định hội nghị ở Bonn còn nhằm chuẩn bị cho hội nghị quốc tế sắp tới ở Genève (Thụy Sĩ) vào ngày 23-2.
Các hội nghị trước đó về Syria ở Genève trong năm 2016 đều thất bại do chiến sự leo thang tại Syria và quan điểm khác biệt trong phe đối lập về thời kỳ quá độ và số phận của tổng thống Syria.
Song song theo đó, một hội nghị quốc tế khác về Syria vừa bế mạc tại Astana (Kazakhstan). Hội nghị khai mạc từ ngày 15-2, gồm các đại diện của phe đối lập ôn hòa và chính phủ Syria, đặc phái viên của LHQ Staffan de Mistura, ba nước bảo trợ Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng đại diện của Mỹ.
Mục đích hội nghị nhằm thảo luận các vấn đề kỹ thuật để củng cố lệnh ngừng bắn ngày 30-12-2016 do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất. Đây là hội nghị vòng 2 sau vòng 1 được tổ chức hồi cuối tháng 1. Ở vòng 1, hội nghị Astana đã nhất trí lập một cơ chế ba bên về ngừng bắn ở Syria (Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lập một tổ kiểm soát làm nhiệm vụ giám sát ngừng bắn).
Hội nghị ở Astana do Nga giữ vai trò chủ chốt và mang tính chất thuần túy quân sự, còn hội nghị ở Genève vào ngày 23-2 sắp tới do LHQ bảo trợ tập trung giải quyết các vấn đề chính trị, trong đó có số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.