Cụ thể, có bốn tình huống kịch bản là: Khi chưa có trường hợp mắc bệnh trên người; có trường hợp nhiễm trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người; phát hiện có trường hợp lây nhiễm từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ; và dịch bùng phát ra cộng đồng.
Theo hướng dẫn này sẽ có ba viện tiếp nhận, chẩn đoán, xét nghiệm cúm A/H7N9 là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang.
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm, tuy nhiên virus có thể lan truyền rất nhanh giữa các quốc gia thông qua sự di chuyển của người bệnh, người mang virus không triệu chứng, qua vận chuyển gia cầm mang mầm bệnh, chim di cư…
l Chiều 8-4, tại cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan để chuẩn bị thành lập ban chỉ đạo và các biện pháp chống dịch cúm H7N9, bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết sẽ tăng cường kiểm soát chặt nguồn thực phẩm nhập về từ Trung Quốc để ngăn ngừa dịch cúm A/H7N9.
l Chiều 8-4, ông Lưu Khoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, cho biết mẫu bệnh phẩm đàn yến nuôi tại rạp Thanh Bình (phường Đạo Long, TP Phan Rang-Tháp Chàm) được Chi cục Thú y tỉnh gửi Trung tâm Thú y Vùng VI (TP.HCM) xét nghiệm có kết quả dương tính với virus cúm gia cầm H5N1.
Cuối tháng 3, đàn yến nuôi tại rạp Thanh Bình chết hàng loạt với số lượng trên 1.000 con. Hiện ngành thú y tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng của TP Phan Rang-Tháp Chàm phát thông báo dịch cúm gia cầm H5N1 trên loài chim yến. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như vệ sinh nhà nuôi yến, tiêu độc khử trùng…
H.HÀ - M.TRÂN - T.TÀI