Phải nói ngay để độc giả đừng hiểu lầm. Tựa đề bài này không hề gắn liền với cảm xúc lãng mạn theo dòng thời gian vừa đến đã vội đi. Hoài cảm bốn mùa đề cập ở đây chỉ nhằm nói đến tình trạng quanh năm suốt tháng hết cảm thì cúm, hễ trở trời là ngã bệnh!
Chữa gốc hay chữa ngọn?
Có thể phân biệt khuynh hướng điều trị cảm cúm vào hai nhóm khác biệt rõ rệt. Nhóm thứ nhất đặt hết tin tưởng vào thuốc trị cảm. Nhóm này hiện nay đang chiếm đa số, phần vì cuộc sống mang tiếng hiện đại càng lúc càng đẩy con người vào thế thụ động, phần vì hình thức quảng cáo thuốc ngày càng thêm khéo léo, tinh vi. Nhóm thứ hai thì ngược lại, bao gồm các đối tượng đã từ lâu tự đặt câu hỏi không lẽ tháng nào cũng phải tối thiểu 10 ngày dùng thuốc cảm? Nếu thế thì cơ thể chịu sao cho thấu phản ứng phụ? Nếu phải thế thì sức kháng bệnh không lẽ chỉ là tên gọi cho oai? Nhóm này tuy trước mắt vẫn còn là số ít nhưng có chiều hướng tăng dần song song với hiểu biết về y học của người bệnh.
Nội lực hay ngoại viện?
Mọi biện pháp vệ sinh dự phòng, từ khẩu trang khi đi ra đường cho đến thói quen rửa tay nhiều lần trong ngày đương nhiên cần thiết. Dùng thuốc cảm và nhanh chân tìm đến thầy thuốc nếu sau ba ngày tự điều trị mà không thuyên giảm là chuyện cần làm. Nhưng mặt khác, ai cũng hiểu thuốc giải cảm đúng là trị cảm cho qua cơn nhưng không thể giải quyết vấn nạn tại sao cứ nay cảm mai cúm. Chính vì thế, muốn rút ngắn liệu trình cũng như giảm thiểu tần suất và cường độ của cơn cảm cúm, không có cách nào khéo hơn là đánh thức sức đề kháng của cơ thể.
Đa số thầy thuốc đồng lòng tán dương một phương pháp hữu hiệu để trị cảm cúm: xông hơi!
Mượn mồ hôi làm thuốc
Trái với dự đoán của nhiều người, kết quả cuộc hội thảo khoa học về cảm cúm tổ chức tại Đan Mạch cho thấy đa số thầy thuốc đồng lòng tán dương một phương pháp hữu hiệu để trị cảm cúm: xông hơi! Giải độc cho cơ thể qua đường mồ hôi chính là phương án chủ động nhằm giới hạn tác hại của siêu vi gây cảm cúm. Cần gì phải đến phòng tắm hơi tối tân, chỉ cần nồi nước nóng, tấm chăn dày và chút tinh dầu thì có ngay biện pháp giải cảm. Trong buổi hội thảo, nhiều nhà điều trị đã mạnh dạn đề nghị vài hình thức ứng dụng kinh nghiệm rất đơn giản của nhiều nền y học dân gian Đông-Tây. Đó là chườm nóng phần bắp chuối và súc miệng bằng nước nóng có pha muối ăn theo tỉ lệ một muỗng canh muối ăn trong 1 lít nước. Bên cạnh muối ăn cũng có thể dùng các loại tinh dầu thực vật như bạc hà, khuynh diệp… Riêng về phần súc miệng nên lưu ý súc miệng mỗi bốn giờ một lần, nghĩa là nhiều lần trong ngày. Các đồng nghiệp này tất nhiên phải có lý do vững chắc khi không nhắc đến thuốc giải cảm trong buổi tranh luận.
Ẩm thực thay vì uống thuốc
Trong thời gian bị cảm, cơ thể dù không muốn cũng phải thất thoát nhiều dịch thể do phản ứng sốt, ho, sổ mũi… Người đang cảm cúm nên nhớ uống cho đủ 2 lít nước chia đều trong ngày. Nếu giữ được tỉ lệ 2/3 nước khoáng và 1/3 nước trà như trà râu bắp, trà rễ tranh, trà cúc hoa… thì vi khuẩn cúm càng thêm lúng túng. Khẩu phần trong khi bị cảm cũng vì thế không nên xây dựng trên thịt cá hay các món dầu mỡ khó tiêu. Thực đơn cho người bị cảm càng nhiều rau trái tươi, càng nhiều món lỏng càng tốt.
Ăn sao cho nên thuốc lại càng hay hơn nữa. Thầy thuốc cổ truyền ở Mexico rất tự hào về món súp nui nấu với thịt gà và ớt cay đến le lưỡi để trị cảm cúm, ho hen. Khi so sánh thành phần và cách nấu món súp gà xứ Mễ với nghệ thuật chế biến phở gà đất Việt thì nói ra chỉ sợ bị phê bình là mèo khen mèo dài đuôi. Phở gà nước ta quả thật hơn xa từ chất đến lượng. Người đang cảm cúm nên thử dùng tô phở gà không lấy nước béo nhưng đầy đủ hành trần, rau thơm, nhiều tiêu lại dằn thêm ít lát ớt hiểm thì sẽ hiểu đâu là giá trị của kho tàng kinh nghiệm y học dân gian.
Cảm hoài vì tâm bất an
Thù ngoài coi vậy mà dễ chống. Giặc trong mới nguy vì khó lường. Dù là dùng thuốc hay không dùng thuốc, bất kỳ phương pháp trị cảm nào cũng khó mà hiệu quả trên một nhóm đối tượng đặc biệt. Đó là số người rất dễ bị cảm cúm không phải vì trời trở lạnh mà vì phải thường sống trong cảnh căng thẳng tinh thần do chưa giải quyết được mâu thuẫn tâm lý, gia đình, xã hội nào đó. Siêu vi sinh cảm cúm tuy thiên hình vạn trạng nhưng vẫn chưa thấm vào đâu với lòng người trong mê lộ. Với loại cảm cúm này thì có nốc nguyên hộp thuốc giải cảm, có chiêu trọn chai thuốc sinh tố… cũng bằng thừa nếu đối tượng không tìm ra lối thoát cho chính mình.
Một chút hơi ấm có khó lắm không? Cảm giác lạnh là yếu tố tăng hoạt tính của siêu cảm cúm. Ăn mặc cho ấm vì thế rất cần thiết. Nhưng nhiều người chưa biết cảm giác lạnh ở lòng bàn chân chính là đòn bẩy kéo dài tình trạng cảm cúm với nguy cơ bội nhiễm đường hô hấp, tiết niệu… Do đó đừng mang vớ ẩm nếu lỡ mắc mưa. Người vừa bị cảm nên tìm cách mỗi ngày hai lần, mỗi lần 15 phút ngâm chân trong nước nóng hay hơ nóng lòng bàn chân hoặc bằng đèn hồng ngoại (nếu trọng tây) hoặc bằng điếu ngải cứu (nếu theo ta). |