Theo đó, ngày 17-7 trong khi đang chơi, bốn học sinh nhặt được gói bột màu trắng và nhầm tưởng là đường nên bóc ra cùng nhau ăn.
Sau khi ăn phải gói bột trắng, các bé có biểu hiện khó chịu, nôn, quấy khóc, chảy nhiều nước dãi. Các cô giáo đã lập tức báo cho gia đình đưa trẻ đi cấp cứu. Gia đình cầm theo “thứ bột lạ” này đi kiểm tra và tìm hiểu thì được biết đây là bột thông cống.
Bột thông cống các cháu ăn nhầm
Cháu NCH (5 tuổi) là trường hợp nặng nhất. Cháu H. nhập viện trong tình trạng sốt cao, môi tím, loét sâu vùng miệng và hạ họng, kèm theo nhiễm trùng, đau bụng, không nuốt được. Ba cháu còn lại tổn thương nhẹ hơn được ra viện điều trị tại nhà.
BS Nguyễn Văn Ngoan, Phó khoa Tiêu hóa, BV Nhi Trung ương, cho biết hiện tại bác sĩ chỉ đánh giá được tổn thương ở miệng, họng của bệnh nhân, chứ chưa thể đánh giá được các tổn thương ở thực quản, dạ dày… Các BS phải chờ bệnh nhân đỡ loét, đỡ nhiễm trùng ở miệng họng mới có thể gây mê nội soi tìm các tổn thương sâu.
Theo BS Ngoan, chất tẩy rửa nếu ăn, uống phải đều gây tổn thương đường tiêu hóa với mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
Trường hợp nhẹ, sớm được phát hiện và điều trị thì tổn thương chỉ ở mức độ viêm, đỏ, đau. Trường hợp nặng thì gây trợt, loét nông, loét sâu thậm chí là hoại tử nặng. Tổn thương còn tùy theo loại hóa chất, nồng độ hóa chất, thời gian và liều lượng mà trẻ nuốt hoặc ăn phải.
BS Ngoan khuyến cáo khi trẻ ăn, nuốt, uống phải các hóa chất có tính ăn mòn thì xử trí ban đầu tốt nhất là cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Sau sơ cứu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiếp tục được cấp cứu, giải độc.