Các nhân vật tham dự hội thảo gồm ông Hà Quang Dự, nguyên Bộ trưởng- Chủ nhiệm Ủy ban TDTT, nguyên Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam; ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT; ông Ngô Lê Bằng, Phó Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM; luật sư Trần Vũ Hải, ông Vũ Mạnh Hải (nguyên Tổng Biên tập báo Bóng Đá), ông Dương Mạnh Hùng (cựu trọng tài xuất sắc nhất Việt Nam, còi vàng), ông Dương Vũ Lâm (Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, VFF).
Cựu Tổng Biên tập báo Bóng Đá Vũ Mạnh Hải trình bày tham luận của mình.
Cựu nhà báo, cựu cầu thủ Vũ Mạnh Hải: Ba nhiệm kỳ đầu VFF trong giai đoạn bao cấp còn lại trong giai đoạn phát triển. Nhiệm kỳ 7 hiện nay là quan trọng vì có một doanh nhân ngồi vào ghế chủ tịch. Bóng đá VN đang trong giai đoạn hòa nhập, nhiều đội trẻ có thành tích tốt. Các giải khác cấp độ tuyển quốc gia còn thiếu nhiều, nhiều giải đã gây thất vọng, mới vào giải thì tốt nhưng sau đó lại gây thất vọng.
Tưởng chừng như nhiệm kỳ 7, VFF có những đột biến khi doanh nhân ngồi ghế chủ tịch nhưng sau đó lại rơi vào những khó khăn. Với tư cách là cựu cầu thủ, tôi muốn chia sẻ vì sao VFF dần dần thiếu những cựu cầu thủ. Thực tế các CLB chuyên nghiệp Việt Nam không đủ chuẩn để tham dự các giải châu Á, chẳng hạn vừa qua có những CLB tham dự giải châu Á không đủ chuẩn phải thuê sân Mỹ Đình. Thế này thì làm sao phát triển và sau cùng là tạo nguồn doanh thu cho CLB, tự chủ về mặt kinh tế.
14 đội chuyên nghiệp hiện nay có bảy CLB tự cung tự cấp, bảy CLB còn lại vẫn chủ yếu sống bằng nguồn ngân sách nhà nước. Không nhất thiết phải ép đủ số lượng đội chuyên nghiệp mà hãy nghĩ đến chất lượng đủ tiêu chí chuyên nghiệp là hàng đầu, không nên lo sợ thiếu… Các nền bóng đá chuyên nghiệp như Hàn Quốc, Nhật mới đầu cũng chỉ 6-8 đội mà thôi…
Các nhiệm kỳ trước, VFF có những người là cựu cầu thủ, giỏi chuyên môn được đào tạo bài bản. Dù thời gian đó họ cũng có sai sót nhưng cơ bản là làm tốt. Thời đó bóng đá Việt Nam xếp nhóm chiếu dưới Đông Nam Á như Campuchia nhưng sau đó các khóa 2, 3 thì đã bắt đầu trỗi dậy với ngôi á quân SEA Games 1995, đó là vì lãnh đạo VFF có nhiều nhà chuyên môn giỏi…
Từ nhiệm kỳ khóa 4, VFF bắt đầu công tác xã hội hóa và có những bước tiến vượt bậc nhưng sau đó thì ngày càng ít đi những nhà chuyên môn…
Lâu lắm rồi VFF mời được giám đốc kỹ thuật (GĐKT, Juergen Gede) nhưng chúng ta đã khai thác được gì từ chất xám của ông ấy chưa? Khi VFF có anh chuyên gia Lê Thế Thọ thì chúng ta hạn chế thấp nhất những sai sót.
Trong thời gian vừa qua, tôi rất tiếc cho HLV Nguyễn Hữu Thắng, anh ấy đã dẫn dắt tuyển chơi được những trận đấu hay nhưng cuối cùng chia tay, vì sao chúng ta phải kết thúc quá tiếc. Nếu trong đoàn bóng đá chúng ta có những nhà chuyên môn đi cùng có những tư vấn, bàn bạc thì không đến nỗi nào.
Lần đó chúng ta bố trí ông trưởng đoàn Lê Hoài Anh là không hợp lý. Việc thiếu những người đủ bản lĩnh để phản biện khi đội tuyển thất bại… khiến các HLV cảm thấy cô đơn và họ không mặn mà với ghế HLV trưởng là điều dễ hiểu. Hãy tạo cho HLV có cơ hội sửa sai. Nên quan tâm đến giới chuyên môn, giới cựu cầu thủ để họ có những đóng góp xứng đáng với chuyên môn của họ.
Việc các cầu thủ dính vụ dàn xếp tỉ số dẫn đến chín cầu thủ bị treo giò vĩnh viễn, đều là những cầu thủ giỏi và lao động chính của gia đình. Nếu chúng ta có hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thì chúng ta có những sự bảo vệ chính đáng để bảo vệ quyền lao động của cầu thủ…
Báo chí tham dự đưa tin.
HLV Lê Thụy Hải: Tôi rất trân trọng cám ơn, đây là lần đầu tiên trong đời mình được đi mời dự hội thảo. Tôi không nghĩ mình trình bày tham luận mà trình bày những cái gọi là chuyên môn… Bóng đá Việt Nam đã trải qua rất nhiều thời kỳ các HLV nội, ngoại… từ Brazil, Anh, Đức, Nhật, Hàn, Bồ Đào Nha. VFF thì cần phải có một GĐKT, một hội đồng HLV Quốc gia, để quan trọng là định hướng chứ không có thì mỗi người làm một kiểu, chả có được cái định hướng gì cả.
Các định hướng, nền tảng văn hóa của quốc gia là sự xuyên suốt mà tất cả HLV phải theo đường lối đó. Hiện nay chúng ta lại có GĐKT nhưng lại là người nước ngoài… Rồi họ cũng làm việc thời gian ngắn thì lại nghỉ…
Còn các CLB ư, họ chỉ lo cho họ, đánh bóng thương hiệu chứ có ai lo cho cả một nền bóng đá. VFF cần có GĐKT để ông ấy tạo chiến lược xuyên suốt cho một thế hệ, nhiều thế hệ, liên kết các HLV CLB và đội tuyển quốc gia… Hiện nay bóng đá chúng ta chưa có bản sắc gì cả.
Bản thân tôi may mắn có chút thành tích, tôi cũng nói lên những ý kiến của mình. Còn cái tổ chức nghề nghiệp mà không có nghề thì nó kỳ lắm. Còn tôi nói thật khi đi làm HLV cho một CLB mà bản thân HLV… xin đi học thì họ (lãnh đạo CLB) không thích đâu. Họ bỏ tiền ra mời mà về đi học thì không được.
MC Huỳnh Sang của VOH điều hành hội thảo.
Liên đoàn hiện nay tôi có cảm giác như các anh ấy củng cố cái ghế của các ảnh chứ chả quan tâm đến phát triển bóng đá Việt Nam đâu. Khi HLV thua cuộc, thất bại, bị chỉ trích thì chẳng có ai bảo vệ họ cả. Còn VPF thì cũng chẳng bảo vệ CLB gì cả… Đội tuyển của anh Hữu Thắng làm thì tốt nhưng khi thất bại lại thiếu bảo vệ ảnh.
Chúng ta dù thay đổi cũng phải giữ bản sắc, GĐKT phải thuyết phục các CLB đi theo những định hướng của bóng đá Việt Nam. Thế rồi đến tổng kết thì chúng ta lại tuyên bố hoàn thành giải. VFF cũng nên tận dụng chất xám của nhiều người. Chúng tôi không mong nhảy vào ghế Liên đoàn nhưng phải biết làm sao tận dụng chất xám và quan trọng là để bóng đá tốt lên.
Bóng đá không phải là của một người của Liên đoàn mà là của người hâm mộ… Ngày xưa bóng đá làm sao chất lượng bằng bây giờ nhưng vì sao khán giả rất đông, còn bây giờ chất lượng trận đấu hay nhưng không ai đi xem…chúng ta phải xem lại chứ.