CLB Shanghai Shenhua (Thân Hoa Thượng Hải) trả lương cho Tevez cao nhất thế giới (38 triệu euro/năm) nhưng anh này vẫn lên tiếng về nền bóng đá của đất nước đông dân nhất thế giới còn kém xa châu Âu.
Theo ngôi sao một thời của MU lẫn Man. City và Juventus giải thích, nền bóng đá của quốc gia này rất khác với làng bóng đỉnh cao thế giới. Anh nói thể lực cầu thủ Trung Quốc (TQ) kém mà lại “ngây thơ” tưởng rằng chỉ cần bỏ ra nhiều tiền sẽ bù đắp cho điểm yếu cơ bản này.
Trong lúc đó, làng cầu TQ dẫu có mua khá nhiều cầu thủ ngoại giỏi vẫn rất khó nâng cao chất lượng bóng đá nội địa. Họ khó hòa nhập với thế giới theo kiểu “tâm lý châu Á”, nặng tính chủ quan bản năng và không có mấy HLV giỏi từ nước ngoài chịu đến đây.
Hầu hết ngoại binh gia nhập làng bóng Trung Quốc đều đã gần hết thời. Ảnh: AFP
Với vị thế cường quốc kinh tế mới nổi, các CLB TQ đã đua nhau vung tiền ra mua vô số chân sút ngoại tính ra đến từ khoảng… 90 quốc gia, nhiều nhất là Brazil. Tiêu biểu trong thập niên gần đây ngoài Tevez còn có Oscar, Hulk, Ramires, Elkersen, Robinho, Paulinho, Fernandinho, Pato (Brazil), Javier Martinez (Colombia), Lavezzi (Argentina), Mikel, Martins (Nigeria), Drogba (Bờ Biển Ngà), Anelka, Demba Ba (Pháp), Carvalho (Bồ Đào Nha), Gudjohnsen (Iceland)... Mới nhất, có tin đội trưởng Rooney có lẽ sắp chia tay MU cuối mùa bóng đã nhận lời mời gọi phát đi từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng phần lớn ngoại binh đều là các… cựu danh thủ đã khá lớn tuổi và qua rồi một thời vang bóng nên hầu như không tạo ra bước đột phá trong làng bóng nội. Riêng với CLB Quảng Châu có tiền mua nhiều cầu thủ ngoại, họ một mình độc chiếm ngôi vua sáu năm liền.
Mặt trái của việc nhập cầu thủ ồ ạt cho hậu quả nhãn tiền ở đấu trường quốc tế, TQ chỉ mới một lần đoạt vé tham dự World Cup 2002 và bị loại ngay vòng bảng sau ba trận thua chẳng ghi nổi một bàn. Đến vòng loại World Cup 2018, TQ xếp hạng 81 FIFA cũng đang bị đe dọa bị đánh bật ra ngoài. Liên đoàn Bóng đá TQ phải cầu cứu HLV Lippi - từng đưa đội tuyển Ý đăng quang World Cup 2006 - từ CLB Quảng Châu lên song cũng khó lòng cứu vãn nổi.
Để cải thiện tình hình trên, đầu năm nay chính quyền TQ đã chi 388 triệu euro cho chương trình đào tạo trẻ từ lứa tuổi nhi đồng. Liên đoàn cũng ra quy định cho CLB nào bỏ ra số tiền bao nhiêu để mua danh thủ ngoại thì cũng phải chi số tiền tương đương cho việc bồi dưỡng cầu thủ trẻ.
Bóng đá TQ muốn gặt hái thành tựu hẳn đúng như lời Tevez nhận xét là phải cần tới… 50 năm nữa.
Tràn ngập thầy ngoại về hưu Trong 16 CLB đá giải “Siêu hạng” TQ, chỉ có bốn nhà cầm quân nội, còn lại đều ngoại nhập. Nổi bật nhất ngoài ông Lippi (ảnh) còn có HLV Scolari (Brazil) từng vô địch World Cup 2002 với đội tuyển Brazil và ông Eriksson (Thụy Điển) cựu đội tuyển Anh. Bên cạnh đó, một số ông thầy ngoại cũng có tiếng tăm chịu về… dưỡng già ở TQ như HLV Martinez, Pacheco (Tây Ban Nha), Stojkovic (Croatia), Magath (Đức), Pellegrini (Chile) cựu Man. City nay cầm quân Hebei Fortune. Ngoài ra, làng bóng quốc nội TQ còn thêm bốn ông thầy Hàn Quốc nữa. ANH VĨNH |