Bỗng dưng bị kê biên nhà

“Nhà tôi mua hợp pháp từ ngân hàng. Vậy mà khi hai người ở đâu đâu nhảy ra tranh chấp tiền bạc thì tòa lại kê biên căn nhà tôi không cho chuyển nhượng, mua bán để chờ giải quyết vụ án. Tôi thực sự không hiểu nổi cách xử lý của tòa…” - bà Trần Thị Quý (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM phản ánh.

Nhà mình nhưng không được bán

Bà Quý cho biết giữa năm 2014, bà mua lại hai ngôi nhà liền kề nhau (ở khu phố 5, phường Hòa Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB - Chi nhánh Đồng Nai) với giá gần 9 tỉ đồng và đã sang tên. Bốn tháng sau, bà nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND tỉnh Đồng Nai với nội dung: “Nghiêm cấm việc chuyển nhượng mua bán, tặng, cho hoặc sửa chữa đối với hai ngôi nhà trên với bất cứ hình thức gì khi chưa có quyết định hủy bỏ hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn…”.

Căn nhà bà Quý mua lại của ngân hàng nhưng bị tòa kê biên vì vướng tranh chấp giữa hai đương sự khác. Ảnh: VN

Quá bất ngờ trước tình huống này, bà dò hỏi thì được biết bà V. và bà P. đang tranh chấp việc mua bán hai căn nhà này nên tòa mới áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên. Nguyên trước đó, nguồn gốc nhà là của bà V. Sau đó bà V. bán nhà cho bà P. Đến năm 2006, bà P. bán nhà lại cho phía ngân hàng. Việc mua bán đã hoàn tất theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp đó thì ngân hàng bán lại cho gia đình bà. Đến tháng 7-2014, bà V. khởi kiện bà P. ra TAND tỉnh Đồng Nai cho rằng bà P. vẫn chưa trả hết tiền mua nhà cho bà. Bà V. yêu cầu tòa hủy hai hợp đồng mua bán giữa bà với bà P. và giữa bà P. với ngân hàng. Phía nguyên đơn cũng làm đơn xin kê biên khẩn cấp gửi tòa và được chấp nhận.

Thiệt hại nghiêm trọng

Sau khi nắm được sự việc, bà Quý đã làm đơn khiếu nại tòa. “Ngân hàng đã là chủ hợp pháp của tài sản trên gần tám năm nay và chuyển nhượng cho tôi bằng hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật. Còn giả sử giao dịch giữa bà V. và bà P. không đúng với thỏa thuận thì chỉ là chuyện riêng giữa hai người, không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba như tôi. TAND tỉnh Đồng Nai chưa xem xét thấu đáo sự việc đã vội ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế của gia đình tôi. Đến nay đã gần ba tháng TAND tỉnh vẫn chưa giải quyết. Những thiệt hại này ai sẽ bồi thường cho gia đình tôi...” - bà Quý nêu.

Ngân hàng cũng phản ứng

Ông Huỳnh Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Ngân hàng ACB - Chi nhánh Đồng Nai, cho biết tám năm trước ngân hàng mua lại hai căn nhà trên do bà P. đứng tên sở hữu với mục đích mở phòng giao dịch. Tuy nhiên, vì một số lý do ngân hàng không mở phòng giao dịch ở địa điểm đó nữa nên vừa qua đã quyết định bán lại cho bà Quý. Tất cả quá trình mua bán ngân hàng đều làm đúng pháp luật.

Cũng theo ông Kiệt, phía ngân hàng là người liên quan đến vụ việc nhưng TAND tỉnh Đồng Nai không hề mời đến làm việc cũng như không thông báo về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đến khi hai ngôi nhà bị cơ quan chức năng đến phong tỏa, đại diện ngân hàng đến tòa để hỏi vụ việc thì thư ký tòa mới đưa ra quyết định.

“Tôi hết sức bất ngờ và cảm thấy vô lý với quyết định của TAND tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi không liên quan gì đến những mâu thuẫn trước kia giữa bà V. và bà P. Tại sao tòa lại áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, niêm phong ngôi nhà mà phía ngân hàng đã mua và chuyển nhượng theo đúng quy định pháp luật? Sau khi nhận được quyết định, chúng tôi đã làm đơn khiếu nại gửi lên tòa nhưng không được chấp nhận. Chúng tôi mong rằng tòa giải quyết sự việc nhanh chóng và tuân thủ các quy định của pháp luật” - ông Kiệt cho hay.

Thấy cần thiết phải kê biên (?)

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Văn Lưu, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai, cho biết: Vụ án đang trong quá trình tiến hành thẩm tra, xem xét xử lý. Tòa cũng đã có quyết định giải quyết khiếu nại và gửi cho đương sự rồi.

Trong quyết định trả lời khiếu nại của Ngân hàng ACB và bà Quý, TAND tỉnh Đồng Nai không chấp nhận đơn khiếu nại, giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì xét thấy nguyên đơn có đơn xin kê biên khẩn cấp về việc mua bán hai căn nhà nói trên. Sau khi xem xét thấy rằng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự nên cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là kê biên và cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.

Tòa kê biên sai

Việc kê biên của tòa là hoàn toàn sai. Bà Quý hiện là chủ sở hữu hợp pháp của hai tài sản và không liên quan gì đến tranh chấp giữa bà V. và bà P. Đến thời điểm này chưa có văn bản nào phủ nhận giá trị của các hợp đồng mua bán tài sản giữa bà V. và bà P., giữa bà P. với ngân hàng và giữa ngân hàng với bà Quý. Như vậy, ai đứng tên trong giấy tờ nhà là chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà và pháp luật bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp đó. BLDS cũng không có quy định nào cho phép tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản của người thứ ba ngay tình khi không liên quan đến tranh chấp của các chủ cũ.

TS LÊ MINH HÙNG, giảng viên khoa Luật dân sự
ĐH Luật TP.HCM

 Tôi khẳng định không có quy định nào cho phép tòa án kê biên nhà của bà Quý. Tranh chấp giữa bà V. và bà P. vừa mới xảy ra năm 2014 trong khi các quan hệ chuyển quyền sở hữu giữa bốn chủ thể đã diễn ra cách đây gần chục năm nay. Tại thời điểm các lần chuyển nhượng không có vụ án nào được tòa thụ lý và giải quyết. Mặt khác, việc mua nhà, đất của bà P., ngân hàng và sau này là bà Quý là hợp pháp, ngay tình nên việc kê biên của tòa là không đúng.

Luật sư PHẠM MINH TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM

T.TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm