Áp quy định sai, THA phải bỏ kê biên

“Hơn một năm nay tôi bị Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Chợ Mới (An Giang) kê biên hai căn nhà. Thấy sai, tôi khiếu nại nhưng nơi đây cũng không giải quyết…” - bà Trương Thị Nga (ngụ ấp Long Thuận I, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) phản ánh.

Nhà mua trước khi có án

Theo bà Nga, năm 2008, bà mua lại hai căn nhà của bà T. Việc mua bán được lập hợp đồng, có công chứng và bà cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy hồng) vào cuối năm 2011. Vào thời điểm chuyển nhượng, bà hỏi rõ và biết bà T. không bị vướng vào một tranh chấp nào và cũng không có cơ quan nào ra văn bản ngăn chặn...

“Năm trước, tự nhiên có người của cơ quan THA đến đo đạc nhà đất của tôi, nói là để kê biên nhằm đảm bảo việc THA của bà T. Tôi liền phôtô các giấy tờ nhà đất gửi cho THA Chợ Mới khẳng định đây là nhà tôi nhưng ngày 5-5-2013, cơ quan này vẫn dán niêm yết thông báo cưỡng chế kê biên” - bà Nga kể.

Qua tìm hiểu, bà Nga được biết tháng 8-2012, TAND huyện Chợ Mới ra bản án buộc bà T. phải trả cho người khác 300 triệu đồng. Từ đó, cơ quan THA mới kê biên hai căn nhà mà bà T. đã bán cho bà để giải quyết việc nợ nần của bà T.

 
Hơn một năm qua bà Nga rất vất vả khi phải đi khiếu nại nhiều nơi về việc tài sản của mình bị kê biên sai. Ảnh: N.NAM

Kê biên không cơ sở!

“Tôi ngạc nhiên quá sức bởi nhà này tôi đã mua của bà T. từ lâu và tính đến thời điểm tòa xử, tôi đã được cấp giấy hồng hơn tám tháng. Tôi liên tục khiếu nại cơ quan THA vì cho rằng họ đã kê biên nhà tôi không đúng pháp luật nhưng khi họ mời tôi lên đối thoại, có cán bộ nói rằng tôi không liên quan gì đến bản án phải thi hành nên không thụ lý đơn, không trả lời đơn, không trả lại đơn. Cơ quan THA dẫn Thông tư 14/2010 (hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục THA dân sự và phối hợp liên ngành trong THA dân sự) cho rằng họ vẫn có quyền kê biên. Tuy nhiên, tôi đọc lại thông tư thì cũng đâu thấy nói là cơ quan THA được kê biên. Thật tôi khổ! Nhà mình mua hợp pháp mà bị rắc rối, cứ phải đi đi về về cả năm trời nay để thưa gửi mà không ai giải quyết” - bà Nga trình bày.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Huy Thanh, Phó Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh An Giang, cho biết: Theo đánh giá của chúng tôi, vụ này có sự nhập nhằng khi áp dụng Thông tư 14 thế nên tháng 10-2013, THA Chợ Mới có xin ý kiến chỉ đạo của Cục THA dân sự tỉnh. Cục trả lời Ban Chỉ đạo THA huyện xem xét việc cấp giấy hồng cho bà Nga về trình tự pháp luật có đúng không để có gì thì giải tỏa cho bà, còn không thì làm tiếp. Sau đó thì cục tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục THA dân sự. Ngày 26-2, Tổng cục có văn bản chỉ đạo trường hợp của bà T. không có cơ sở áp dụng Điều 6 Thông tư 14. Hướng tới là sẽ giải tỏa, thu hồi quyết định kê biên. Chậm nhất cuối tháng này chúng tôi sẽ làm.

NHẪN NAM

 

Kê biên, xử lý tài sản để THA

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải THA bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để THA thì tài sản đó vẫn bị kê biên để THA, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình...

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm THA, biện pháp cưỡng chế THA mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải THA không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để THA.

Trích Điều 6 Thông tư 14/2010 của Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm