Có ý kiến xin tạm ngưng V-League để các cầu thủ cùng thưởng thức World Cup 2018 nhưng ban tổ chức không thể dừng vì lịch đã sắp sẵn và quan trọng hơn là các đội tuyển quốc gia còn nhiều nhiệm vụ lớn. Ai cũng biết mọi sự quan tâm ưu tiên cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh chứ không phải ở một giải đấu nằm ngoài tốp 100 thế giới. Ngay cả các quốc gia lân cận như Thái Lan vì lịch đấu năm nay khắc nghiệt cũng vẫn để Thai-League lăn bóng trong mùa World Cup.
Cả thế giới sắp sửa lăn theo quả bóng Telstar theo khung giờ từ nửa đêm về sáng ở nước Nga và chắc chắn bóng V-League lăn sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Dễ thấy nhất là các khán đài thời gian vừa qua giảm dần đi theo những sự cố và sa sút niềm tin từ thượng tầng, nó còn giảm nữa vì World Cup hấp dẫn hơn. Người xem cần hồi phục sức khỏe và cân đối giờ giấc cho công việc, cho chọn lựa thức cùng cúp thế giới hơn là V-League còn tranh tối tranh sáng.
Mùa World Cup từng là mùa mà nhiều cầu thủ mất kiểm soát do “say” bóng quốc tế rồi ảnh hưởng sang sân chơi quốc nội. Ảnh: CTV
Một vấn nạn khác mà các lãnh đội rất trăn trở là giải pháp dung hòa cho các cầu thủ vừa ăn, ngủ cùng World Cup lại vừa đảm bảo phong độ cho các trận đấu V-League. Đây cũng là giai đoạn căng thẳng của cuộc chơi quốc nội từ giai đoạn lượt về quyết định có khi “dồn toa” chơi bốn ngày một trận. Dĩ nhiên cầu thủ xem World Cup lợi thì có lợi, bởi nó vừa là niềm đam mê, vừa có nhiều cơ hội cho họ học hỏi cách chơi của các đội tuyển lẫn kỹ năng của những thần tượng. Tuy nhiên, giữa việc “xem” và “say” World Cup rất khác nhau.
Cầu thủ “say” World Cup đã đành dễ xảy ra việc chểnh mảng trong tập luyện và thi đấu. “Say” quá còn dắt dây đến khả năng tham gia cá cược mất kiểm soát mà giới cầu thủ hay gọi là “đánh banh”. Bóng đá Việt Nam không lạ chuyện cầu thủ “say” World Cup và “đánh banh” đến nỗi tán gia bại sản và có những sự “mất tích” bí ẩn khi dân xã hội đen gây áp lực ngay cả ở nơi đóng quân.
Và một khi đã thua World Cup thì chuyện “gỡ” V-League đã từng xảy ra nhan nhản. Đấy là lúc không mấy ai quan tâm và thậm chí nội bộ đội bóng, các nhà tổ chức biết rất rõ cầu thủ làm bậy nhưng nhắm mắt cho qua vì không ai muốn vạch áo cho người xem lưng. Nguy cơ dàn xếp tỉ số ở V-League thường xảy ra vào cao điểm World Cup và nạn móc ngoặc, bán độ nhằm gỡ gạc cá cược là có thật.
Mới nhất, VPF đã phối hợp với VFF và cơ quan chức năng vào cuộc vụ tình nghi ba trận đấu ở giải hạng nhất dàn xếp tỉ số. Cho nên V-League sáng đèn trên mạng nhà cái trong thời điểm bóng World Cup lăn và những tỉ lệ kèo bất thường có thể sẽ diễn ra không cần bí mật.
Mong là những tấm gương cầu thủ từng bán mình cho quỷ dữ đủ sức cảnh tỉnh các đồng nghiệp giữa mùa cúp thế giới sôi động không đi vào vết xe đổ.
V-League bất thường trong và sau World Cup Năm 2014, một số cầu thủ Đồng Nai bị bắt vì dàn xếp tỉ số trong một trận đấu ở V-League chỉ sau mùa World Cup một tuần. Không ai nói ra việc vì sao cầu thủ “khát” tiền và cam tâm bán rẻ lương tâm để gây ra tiêu cực trong giải đấu của mình nhưng người trong cuộc thừa hiểu có những cơn say cá cược bóng đá quốc tế trong giới. World Cup 2010, dân xã hội đen rình rập cầu thủ của một đội bóng phía Nam và có cầu thủ mang cả bao tiền ra chung độ. Một đội bóng khác ở miền Trung còn buộc HLV phải sớm sa thải cầu thủ do nợ nần cá độ khiến giang hồ ngày nào cũng đến CLB đe dọa. Mùa bóng quốc tế khác là Euro 2016, có nhiều trận đấu diễn ra với tỉ số cao bất thường mà giới cá độ hay gọi là “nổ tài”. Không chỉ có giới cầu thủ, làng bóng Việt Nam còn ghi nhận từng có trọng tài điều khiển trận đấu bất thường bị kỷ luật dù không công bố theo luật im lặng của FIFA. |