Theo bà Ngô Thị Minh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội), thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy từ năm 2007 đến tháng 6-2013 đã có gần 64.000 vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây ra với hơn 94.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự.
Gần một nửa phạm tội trộm cắp
Số vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây ra chiếm gần 20% tổng số vụ án hình sự trong cả nước. Trong đó trẻ dưới 14 tuổi vi phạm pháp luật hình sự chiếm tỉ lệ 13%, từ 14 đến 16 tuổi chiếm gần 35%, từ 16 đến 18 tuổi chiếm 52%.
Các hành vi phạm tội của người chưa thành niên chủ yếu tập trung nhiều vào nhóm tội xâm phạm sở hữu, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự, một số tội xâm phạm an toàn trật tự công cộng. Trong đó, tội trộm cắp tài sản chiếm tỉ lệ 38%, cố ý gây thương tích chiếm 11%, giết người chiếm 1,4%...
Bà Minh nhận xét việc cha mẹ lo mưu sinh buông lỏng giáo dục con cái, phó mặc cho nhà trường, xã hội là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học, tình trạng trẻ em đánh thầy, giết bạn, cướp của. Mặc dù tình trạng này không phổ biến nhưng có xu hướng gia tăng. Một bộ phận giới trẻ băng hoại đạo đức, tha hóa nhân cách, sống thờ ơ, vô trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội, văn hóa ứng xử xuống cấp...
Bảo đảm lợi ích tốt nhất
Xuất phát từ chính sách nhân đạo, Điều 69 dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung quy định về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là “bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên”. Trong đó quy định rõ mục đích xử lý là giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội sửa chữa lỗi lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Tại hội thảo góp ý sửa đổi BLHS mà Bộ Tư pháp vừa tổ chức tại Đà Nẵng, bà Lê Thị Hòa (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) nhận xét nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên” phải là một nguyên tắc xuyên suốt, cần phải tuân thủ cho dù áp dụng biện pháp xử lý nào. Nguyên tắc này có ý nghĩa định hướng cho cán bộ tố tụng tìm ra biện pháp xử lý phù hợp nhất với các em.
Bớt giam giữ, giảm án tù
Theo bà Hòa, từ nguyên tắc trên, dự thảo BLHS (sửa đổi) cũng quy định: “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội thì tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 (cải tạo không giam giữ, đưa vào trường giáo dưỡng...)”. Dự thảo cũng bổ sung quy định khi áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì “trong thời gian tích hợp ngắn nhất”.
“Thực tế cho thấy các chế tài giam giữ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi, việc bị cách ly khỏi xã hội có ảnh hưởng tiêu cực khiến các em có cảm giác bị bỏ rơi, bị đẩy ra lề xã hội, gây trở ngại cho việc phục hồi, tái hòa nhập của người chưa thành niên phạm tội” - bà Hòa nói.
Đồng tình, bà Ngô Thị Tuyết Hồng (Viện trưởng VKSND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng đối với trẻ từ 14 đến 16 tuổi nhận thức còn rất hạn chế. Nhiều cháu rời khỏi gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, thông thường phạm tội ở độ tuổi này là do bị lôi kéo, còn tự mình gây ra án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng rất ít. Việc xử tù giam đối với lứa tuổi này rất nguy hại. Theo quy định thì người chưa thành niên phải có khu giam, giữ riêng nhưng thực tế rất khó đảm bảo mà giam chung với người lớn thì hệ quả để lại vô cùng khó lường.
“Nhiều thẩm phán chưa mạnh dạn tuyên các hình phạt ngoài hình phạt tù, đôi khi cũng do tâm lý lo lắng là sẽ phải giải trình với cấp trên. Vì vậy cần có quy định rõ ràng hơn để các thẩm phán yên tâm trong việc áp dụng các hình phạt không tước quyền tự do đối với người chưa thành niên” - bà Hồng đề xuất.
“Bớt giam giữ, phạt tù người chưa thành niên, chỉ nên áp dụng khi đó là biện pháp cuối cùng” - đó cũng là ý kiến của nhiều đại biểu khác tại hội thảo. Theo các ý kiến này, việc BLHS sửa đổi theo hướng tăng các loại hình phạt không tước quyền tự do đối với người chưa thành niên có ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng cho thẩm phán khi quyết định hình phạt. Thẩm phán sẽ mạnh dạn ưu tiên áp dụng các biện pháp tư pháp và chế tài không tước tự do đối với người chưa thành niên phạm tội. Thẩm phán chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp nhận thấy việc áp dụng các hình phạt không tước tự do là không thích hợp. Đồng thời, thời hạn tù cần được ấn định sao cho vừa đủ để giáo dục, phục hồi, trên cơ sở cân nhắc toàn diện điều kiện và hoàn cảnh phạm tội, nhân thân của người chưa thành niên.
Lạm dụng tạm giữ, tạm giam Có một thực tế hiện nay là hễ tình nghi là công an tạm giữ, tạm giam để điều tra cho nhanh, cho thuận lợi. Mà nếu trước đó đã bị tạm giữ, tạm giam thì khi ra tòa, bị cáo sẽ khó lòng được tuyên các biện pháp không tước quyền tự do mà thường là sẽ bị tuyên án tù có thời hạn. Để không xảy ra tình trạng giam giữ tràn lan thì nên có quy định rõ ràng để cơ quan tố tụng chỉ bắt tạm giam khi là biện pháp cuối cùng. Trong trường hợp không nhất thiết bắt tạm giam thì không nên bắt. Đối với các trường hợp phạm tội chưa đạt thì có thể nên xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự bởi ở đây mới nằm ở giai đoạn chuẩn bị, chưa gây án, chưa gây hậu quả nhằm để giáo dục, tạo điều kiện cho người chưa thành niên phát triển lành mạnh. Bà NGÔ THỊ TUYẾT HỒNG, Viện trưởng VKSND |