Thưa ông Trần Ngọc Đán,
Trong lĩnh vực chính trị, cả ba từ “chuyên chế”, “chuyên chính” và “độc tài” đều có cùng một nghĩa, dịch ra tiếng Anh cùng một từ là “dictationship”.
“Độc tài” là một chế độ chính trị, tập trung quyền hành vào tay một người (gọi là “độc tài cá nhân”), một nhóm người (gọi là “độc tài phát xít”) hay một đảng phái (gọi là “độc tài đảng trị”). Nếu nhóm người đó là một gia đình thì gọi là “độc tài gia đình trị”; nếu nhóm người đó là một nhóm lãnh đạo quân đội thì gọi là “độc tài quân phiệt”...
Nếu hiện tượng độc tài xảy ra trong chế độ quân chủ (nước có vua đứng đầu) thì gọi là “chuyên chế”, vì vậy mới có từ “quân chủ chuyên chế” hay “quân chủ tuyệt đối” (Absolute Monarchy). Nếu hiện tượng độc tài xảy ra dưới chính thể cộng hòa (nước không có vua) thì gọi là “chuyên chính” (dictationship).
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, chuyên chính là phương thức thực hiện quyền lực chính trị bằng bạo lực để áp đặt ý chí của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị, trong những thời kỳ đấu tranh giai cấp quyết liệt. Chuyên chính là sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác. Vì vậy mới có “chuyên chính tư sản”, “chuyên chính vô sản”…
Sở dĩ tôi phải diễn giải dông dài như vậy vì ý tôi muốn nói: “Chuyên chế”, “chuyên chính” và “độc tài” thực ra đều có chung một nghĩa thôi, là bắt người khác nghĩ theo, sống theo, làm theo ý mình, phục vụ quyền lợi cho cá nhân, dòng họ, tổ chức mình. Các ông vua quân chủ chuyên chế thực chất là những nhà độc tài theo đúng nghĩa vậy đó thôi.
Bây giờ, xin đi vào câu hỏi chính của ông: Nước Brunei hiện nay theo chính thể gì, quân chủ lập hiến hay quân chủ chuyên chế?
Thánh đường Hôi giáo ở Brunei
Về hình thức mà nói thì Vương quốc Brunei (một nước nhỏ thuộc vùng Đông Nam Á - khối ASEAN) đã có bản hiến pháp từ năm 1959 nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận đó là một nhà nước quân chủ chuyên chế vì trong chế độ đó, tất cả quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) đều nằm trong tay quốc vương (hiện nay là Quốc Vương Haji Hassanal Bolkiah, nối ngôi vua cha từ năm 1967).
Ở Vương quốc Hồi giáo Brunei, quốc vương thực hiện sự cai trị tuyệt đối đất nước; hiến pháp chỉ là một công cụ để nhà vua thực hiện quyền lực toàn diện (chi phối cả lập pháp, hành pháp, tư pháp), vô giới hạn của mình. Vua đứng đầu cả nhà nước và giáo hội (tức là nắm cả thế quyền và thần quyền). Ông vua vừa là nguyên thủ quốc gia (như chủ tịch nước của nước mình) kiêm luôn chức vụ thủ tướng đứng đầu chính phủ, kiêm cả chức bộ trưởng Quốc phòng. Em trai của quốc vương là Hoàng tử Mohamed làm bộ trưởng Ngoại giao và một em trai khác của quốc vương là Hoàng tử Jefri làm bộ trưởng Tài chính… Ở nước này không có Quốc hội đại diện nhân dân để làm luật mà chỉ có một hội đồng lập pháp (Legislative Council) với các thành viên đều do vua bổ nhiệm. Hội đồng lập pháp cũng như hội đồng bộ trưởng và một số hội đồng khác do vua lập ra với chức năng giúp việc và tư vấn cho vua; ý kiến của các hội đồng này không có tính bắt buộc đối với vua; vua muốn bãi nhiệm họ lúc nào tùy ý; vua muốn sửa đổi hiến pháp lúc nào, điều nào cũng được…
Theo tài liệu tôi có được, quốc vương và hoàng gia Brunei (khoảng trên 30 người, bao gồm hai người vợ, ba con trai, sáu con gái, ba em trai và gia đình của họ) có nguồn thu nhập khổng lồ từ việc khai thác dầu hỏa và khí đốt. Quốc vương Brunei là một trong những người giàu có nhất thế giới…
Cho nên có tài liệu, sách báo nói Brunei là một nước theo chính thể quân chủ lập hiến cũng đúng, mà nói đó là một trong ba nước trên thế giới hiện nay còn chính thể quân chủ chuyên chế (*) cũng đúng thôi, ông ạ!
Thân chào ông.
(*) Hai nước quân chủ chuyên chế còn lại là Vương quốc Saudi Arabia và Vương quốc Oman. Vương quốc Saudi Arabia là quốc gia lớn nhất trên bán đảo Ả Rập. Quốc vương hiện nay là Abdullah, con trai thứ năm (trong số 37 con trai) của Ibn Saud, người sáng lập ra Vương quốc Saudi Arabia hiện đại. Quốc vương nắm toàn bộ quyền lực, không có quốc hội, còn hội đồng bộ trưởng được chỉ định và phải chịu trách nhiệm trước quốc vương. Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc đã chỉ trích Saudi Arabia về những vụ cắt cụt chi và đánh roi mà họ thực hiện theo Luật Hồi giáo. Saudi Arabia khước từ sự can thiệp vào hệ thống pháp luật của họ, vì thế Saudi Arabia bị coi là thiếu dân chủ. Saudi Arabia không cho phép tự do tôn giáo và cấm tất cả hình thức tôn giáo không phải là Hồi giáo. Tại Saudi Arabia có hai thành phố thiêng liêng nhất của Hồi giáo là Mecca và Medina. Vương quốc Oman nằm ở đông nam bán đảo Ả Rập. Quốc vương vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu chính phủ. Các thành viên chính phủ do quốc vương bổ nhiệm. Oman không cho phép đảng phái chính trị hoạt động, không có các nhóm áp lực hoặc đối lập với chính phủ. VT |
ANH PHÓ