Sao sông Thị Vải ấy có ảnh hưởng gây hại đến nhiều hộ dân hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và cả TP.HCM nữa?
ANH PHÓ trả lời: Bạn Hoàng Thị Cẩm thân mến,
Tiếng Việt, chữ “vải” nghĩa là người đàn bà lớn tuổi tu ở chùa thờ Phật (bà vải). Thực tế lâu nay, Thị Vải là tên một con sông dài khoảng hơn 50 km bắt nguồn từ suối Bưng Môn, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, chảy theo hướng đông nam qua huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), huyện Long Thành (Đồng Nai), cuối cùng là huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) và huyện Cần Giờ (TP.HCM) rồi đổ ra biển tại vịnh Rành Gái.
Bọt trắng xóa vì ô nhiễm trên dòng sông Thị Vải. Ảnh: TTXVN
Ở địa phận huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu), sông này chảy gần khu núi có tên là núi Thị Vải (sông ở cách núi Thị Vải chừng 3 km) nên sông này cũng mang tên chung với núi đó, gọi là sông Thị Vải. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức đời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX) đã chép lai lịch của núi Thị Vải (lúc đó gọi là núi Nữ Tăng) như sau: “Núi Nữ Tăng (tục gọi là núi Bà Vải) ở về đất huyện Long Thành (thời xưa núi đó thuộc phạm vi lãnh thổ huyện Long Thành - AP). Trước có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, kén chọn lỡ thời, sau khi cha mẹ chết mới lấy chồng. Không bao lâu người chồng ấy chết, thề quyết không đi bước nữa, khổ vì bọn thế hào cứ sai người đến mối lái quấy nhiễu, bèn trốn đời cắt tóc đi tu, dựng am ở núi, tự làm sư thầy, tôi tớ thì làm đồ đệ, tụng niệm tu trì, bèn nên chính quả, người ta nhân đó mà gọi tên núi” (SĐD, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998, trang 22). Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng chép sự tích đại khái như vậy (SĐD, tập 5, NXB Thuận Hóa, Huế, 1992, trang 51).
Như vậy, lúc đầu núi này tên gọi là núi Bà Tăng hay Bà Vải, vì ở đó có một bà vải với sự tích như nói trên, dần dần người ta gọi “Bà Vải” lại là “Thị Vải”. Núi Thị Vải và sông Thị Vải đều có chung nguồn gốc tên gọi như vậy.
Vì sông Thị Vải là một con sông dài, đồng thời là ranh giới thiên nhiên giữa ba tỉnh, thành phố, chảy từ tỉnh Đồng Nai, qua Bà Rịa-Vũng Tàu rồi đổ ra biển, đoạn cuối sông là ranh giới giữa TP.HCM (huyện Cần Giờ) và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (huyện Tân Thành), nên cư dân sinh sống dọc theo hai bờ sông của ba địa phương đều bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do Vedan gây ra.
Thân chào bạn.
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 159)