CHUYỆN XƯA CHUYỆN NAY:

Lại… tên gọi “sông Thị Vải”?

Vậy xin hỏi Anh Phó có gì ngộ nhận, nhầm lẫn giữa hai từ “vải” và “vãi” này không?".

ANH PHÓ trả lời: Em Ngọc Thành thân mến,

Đúng như nhận xét của em, hiện nay tên sông Thị Vải (chữ “vải” viết dấu hỏi); còn danh từ để chỉ người nữ tu theo đạo Phật là “bà vãi”, chữ “vãi” viết dấu ngã. Sự không trùng khớp ấy có thể làm ảnh hưởng đến truyền thuyết cho rằng tên sông “Thị Vải” là do từ “bà vãi” mà có, nên điều tôi giải thích có thể không chính xác…

Thực ra, việc tôi nói đó không phải chỉ dựa theo truyền thuyết dân gian mà theo sự tìm hiểu cẩn trọng trong sách vở cũ có đối chứng với kết quả mấy lần tôi đi khảo sát thực địa đến địa phương huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

“Nữ Tăng sơn” là tên chữ Hán của núi Bà Vãi ở huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) ngày nay. Như tôi đã trình bày, các địa danh này đã được ghi trong hai quyển sử uy tín là Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức và Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn. Theo phản ánh có vẻ nghi ngờ của em, tôi đã tìm đọc thêm vài tài liệu khác như sách Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển (NXB Trẻ, TP.HCM 1999), Việt Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (NXB Trẻ tái bản, TP.HCM, 1998) cũng có chi tiết na ná như vậy… Xin dẫn chứng thêm, học giả Vương Hồng Sển qua tác phẩm Tự vị nói trên đã giải thích: “Sách Nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định chép: Xưa có ni cô tên Thị Lượng, đến lập nơi đây am Vân Tịnh (thuộc thôn Long Sơn, huyện Long Thành), tuy am đã hủy phế nhưng phong cảnh còn khả quan, có khách viễn phương đến viếng”. (Sđd, trang 449).

Việc chữ “Bà” biến thành chữ “Thị” thì người đi trước cũng đã dẫn chứng: Cũng thường xảy ra thôi, giống như một số địa danh khác (“rạch Bà Nghè” ở TP.HCM biến thành “rạch Thị Nghè”…) là do các quan “hách” thuở đi mở cõi không gọi họ là “Bà” mà hạ xuống, chỉ gọi là “Thị”. Tuy nhiên, thực tế đến nay vẫn còn nhiều địa danh (như: Bà Rịa, Bà Kéc, Bà Chiểu, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom v.v…) trước nay vẫn không thay đổi.

Việc chữ “vãi” biến thành chữ “vải” cũng vậy thôi. Không phải viết trật chính tả hay mang ý nghĩa nào khác hơn là vì hiện tượng biến đổi địa danh qua thời gian thực tế cũng thường gặp. Như em thấy đó, ở quận 1, TP.HCM, lúc mở cõi ở đó là vùng đất cao cặp bờ sông Bến Nghé, nên người xưa gọi là “đất cao”, đến khi người Pháp sang họ âm ra là “DaKao”, rồi gần đây ta chính thức đặt tên là phường Đa Kao và biết đâu chừng sau này con cháu ta sẽ sửa lại… Đa Cau chẳng hạn; sông Bến Lức” (bây giờ ta có “cầu Bến Lức”) là do lúc ban đầu ở đó có mọc nhiều cây lứt (“lứt” là loại cây dại, lá nhỏ hay mọc theo bờ nước, mé biển…). Như vậy thì cũng đâu phải vì chữ “c” khác với chữ “t” mà ta đâm ra nghi ngờ sự chính xác của khoa địa danh học.

Cho nên, theo tôi, việc em thắc mắc là đúng, có cơ sở thực tế, song văn minh Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam là vậy đó. Đó là cái “đẹp” độc đáo trong văn hóa Việt mà chúng ta là “kẻ hậu sinh” có bổn phận phải cố gắng tìm hiểu để biết và tôn vinh em à.

Thân chào em.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 160)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm