Đọc qua đó, em cũng không biết “phản chứng thư” là gì, xin Anh Phó giải thích thêm.
ANH PHÓ trả lời: Em Ngô Văn thân mến,
Theo bài viết em nhắc đó, ông Phan Văn Cheo cũng đã nói rồi, “phản chứng thư” tương tự như “hợp đồng giả cách”.
Pháp luật dưới thời Pháp thuộc ở nước ta có khái niệm “phản chứng thư” hay “phản thư” (contre lettre). Đó là một văn bản (chứng thư) giữ bí mật có mục đích để thay đổi hay xóa bỏ hậu quả của một khế ước (hợp đồng) được ký kết. Nói cách khác, đó là một mật ước được làm ra một lượt với hợp đồng ngoài mặt, có nội dung cam kết thực sự giữa hai bên mà hai bên phải giữ kín. Cái hợp đồng có chứng nhận hợp lệ chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi, cam kết được áp dụng chính là mật ước giữ kín đó.
Thí dụ: Con nợ vì sợ bị kê biên tịch thu tài sản của mình nên làm bộ bán tài sản của mình bằng một hợp đồng, nhưng bên trong lại làm thêm một mật ước khác nói là không bán mà là cho mượn, cho thuê hay giao giữ giùm.
Một thí dụ khác: Hợp đồng mua bán đáng lẽ phải ghi đúng giá là 500 lượng vàng nhưng lại chỉ ghi 100 lượng và làm thêm một mật ước khác ghi giá thật là 500 lượng. Cái “mật ước” đó gọi là “phản chứng thư” hay “phản thư”. Về nguyên tắc được ghi tại Điều 1321 Bộ Dân luật Pháp thì các phản chứng thư như vậy chỉ có giá trị giữa các đương sự lập ra phản chứng thư đó mà thôi, không có giá trị đối với người khác.
Ông Phan Văn Cheo đã giải thích: “Phản chứng thư cũng tương tự như hợp đồng giả cách”. Để dễ hiểu, tôi đề nghị em xem lại Điều 129 Bộ luật Dân sự hiện hành (năm 2005) của nhà nước ta, để thấy rõ hợp đồng thể hiện bên ngoài hợp pháp là một hợp đồng giả tạo (hợp đồng giả cách): “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của bộ luật này. Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu”.
Nói chung, hợp đồng giả tạo là sự thông đồng, nhất trí của cả hai bên tham gia giao dịch dân sự nhằm tạo ra sự nhận thức sai lầm bên ngoài của sự việc. Thời Pháp thuộc, cái văn bản lập ra một lượt với hợp đồng (khế ước) và có nội dung khác với khế ước hình thức che đậy bên ngoài, gọi là “phản chứng thư” đó, em ạ!
Thân chào em.
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 159)