Liên quan đến vụ BS Hoàng Công Lương (TAND tỉnh Hòa Bình đang xử phúc thẩm), trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 13-6, ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, khẳng định cá nhân ông cho rằng BS Hoàng Công Lương vô tội. "Tuy nhiên, việc BS Lương nhận lỗi rất khó phán đoán lý do"- ông Tuấn nói.
“Đây không chỉ là vấn đề của BS Lương”
“Phải chăng qua ba lần xét xử và kháng cáo, lần sau mức án cao hơn trước nên BS chấp nhận nhận tội?...”, ông Nguyễn Quang Tuấn nhận định và cho rằng điều này có thể thấy BS Lương đã quá mệt mỏi về tâm lý, thực tế BS trầm cảm và điều trị ở BV Bạch Mai. Như vậy, áp lực về tinh thần, khủng bố về tinh thần có thể làm cho BS Lương không còn kiên định nữa.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, trả lời báo chí sáng nay.
Về tội danh của BS Hoàng Công Lương, ông Nguyễn Quang Tuấn cũng lo lắng sẽ tạo tiền lệ xấu. Đây không phải vấn đề BS Hoàng Công Lương mà vấn đề của ngành y tế. Chính vì thế, Bộ Y tế đã lên tiếng rất mạnh mẽ, có những bằng chứng để chứng minh BS Hoàng Công Lương vô tội.
“Vì vậy, chúng ta cần kiên nhẫn chờ phiên tòa nghiêm minh nhưng cũng phải thực sự khách quan để làm sao không tạo ra tiền lệ xấu cho tất cả nhân viên y tế…”, ông Tuấn nêu quan điểm và cho rằng nhiều BS nói, nếu như BS Lương có tội thì sẽ rất nhiều BS chuyển sang phòng thủ. Nghĩa là họ bảo vệ họ trước khi bảo vệ bệnh nhân, mà như vậy người thiệt thòi nhất chính là bệnh nhân.
Dưới góc độ chuyên môn, vị giám đốc khẳng định đây là lỗi quy trình. BS Lương có tội thì tất cả những người làm vị trí đó đều có tội, cho dù đó là giáo sư đầu ngành, những người giỏi nhất.
Cuối cùng, ông Nguyễn Quang Tuấn cho rằng văn bản mật của Bộ Y tế là để bảo vệ BS Lương. Đồng thời, ông cũng chia sẻ khó khăn với BS Lương. Cho dù BS có tinh thần thép đi nữa cũng phải thấy áp lực quá lớn. Việc bác sĩ chuyển từ kháng cáo kêu oan sang nhận tội hoàn toàn có thể thông cảm.
BS Hoàng Công Lương đến tòa dự phiên xét xử.
“Tuy nhiên, không phải cứ nhận tội là có tội. Ở đây, tòa án phải xử công minh, công bằng dựa vào lương tri của chính những người cầm cân nảy mực đó để tuyên án BS Hoàng Công Lương có tội hay không có tội. BS Hoàng Công Lương hãy bình tâm, bình tĩnh và tất cả mọi người sẽ bên cạnh bác sĩ”, ông Nguyễn Quang Tuấn nói.
“Con dê tế thần”
Đồng tình, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhận định chỉ có BS Lương mới trả lời được vì sao lại nhận tội vô ý giết người, “nhưng có lẽ BS đã phải chịu quá nhiều sức ép!”. “Từ hành động từ chối tất cả luật sư bào chữa cho tới chấp nhận tội danh vô ý gây chết người, cho thấy Lương đã quá mệt mỏi rồi, muốn buông vũ khí chấm dứt quá trình này để sớm được quay trở lại cuộc sống bình thường…”, nữ ĐB nhận định.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng kết quả vụ án chạy thận khiến 8 người chết tại tỉnh Hòa Bình được dự đoán từ trước. Song ĐB khẳng định vẫn cảm thấy rất buồn và không thuyết phục. Việc xét xử chưa đúng người, đúng tội.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng đây là lỗi quy trình và đến nay chưa được "bịt" kín.
“Tội danh được áp cho BS Lương thay đổi liên tục, và tất cả đều không thuyết phục khi đều cố tình chĩa tội vào BS. Trong khi ở hoàn cảnh ấy, với bất kể BS nào xác suất phạm tội cũng y hệt...”, ĐB Phong Lan nói.
Trong y khoa, biến cố rủi ro ngoài mong muốn của BS luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ khi nào. Với kết quả như trên, ĐB cho rằng đội ngũ BS, điều dưỡng sẽ cảm thấy bất an bởi mình không được bảo vệ khi hành nghề. Họ sẽ nảy sinh tâm lý né tránh, làm sao đúng quy trình, an toàn cho mình nhất. Song an toàn cho BS không có nghĩa an toàn đối với bệnh nhân.
Thay vì việc xác định nguyên nhân xuất phát từ lỗi quy trình chạy thận chưa hợp lý và chặt chẽ, nguồn lực hạn chế phải tiết kiệm thiết bị y tế thì vụ án lại bị lái theo kiểu truy trách nhiệm đối với BS trực tiếp thực hiện công việc cứu bệnh nhân.
“Tôi có cảm giác việc xét xử bắt buộc phải tìm “con dê tế thần” mà không đặt vấn đề xem xét cơ chế như thế nào, quy trình ra làm sao để không lặp lại những vụ việc tương tự trong tương lai. Rõ ràng ở đây, nếu tấn công vào quy trình, cơ chế, trách nhiệm chung thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với việc ghép tội cho một con người cụ thể hơn nữa lại là một bác sĩ vừa ra trường còn rất trẻ…”, nữ ĐB nhận định.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan khẳng định nếu đi sâu vào quy trình, cơ sở chạy thận nhân tạo tại các tuyến y tế hiện nay, có thể thấy nhiều lỗ hổng, bất hợp lý dẫn tới nguy cơ xấu cho bệnh nhân. Chỉ nói riêng về màng lọc máy chạy thận, các nước bỏ đi sau mỗi lần điều trị thì ở nước ta do nguồn lực hạn chế lại phải rửa đi dùng lại. Do đó, ngay cả khi giữ đúng quy trình những hậu quả đáng tiếc vẫn có thể tiếp tục xảy ra.
Về phía Bộ Y tế, ĐB Phong Lan cho rằng lẽ ra ngay từ đầu khi vụ việc xảy ra Bộ cần sớm lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của BS, cần phải trả lời rõ ràng về mặt chuyên môn… Song, đáng tiếc là trong suốt quá trình xử án, cơ quan này lại có những lúc bất nhất về cung cấp tài liệu, gần như không nói rõ trách nhiệm của mình.
“Thực ra trước tòa, với những chứng cứ chuyên môn do bản thân BS Lương đưa ra sẽ không có tính khách quan bằng cơ quan có chức năng quản lý. Tuy nhiên, cũng nên ghi nhận nỗ lực của Bộ Y tế cuối cùng có văn bản khẳng định quan điểm BS Lương vô tội, dù muộn còn hơn không”, ĐB Phong Lan nhận định.
Cuối cùng, điều khiến nữ ĐB đau đầu nhất sau vụ án BS Hoàng Công Lương là chưa tìm được giải pháp từ cơ chế, trình tự thủ tục để bảo đảm sẽ không có vụ việc tương tự nào xảy ra nữa!