Bữa ăn bán trú theo Nghị quyết 04: Nhiều trường “cân đo đong đếm”

(PLO)- Thực hiện theo Nghị quyết 04 của HĐND TP.HCM trong tổ chức bữa ăn bán trú, nhiều trường “khóc ròng” vì phải giảm bớt tiền ăn, trong khi những đơn vị khác vui vì số tiền được tăng lên so với năm ngoái.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nghị quyết 04 của HĐND TP.HCM quy định 26 khoản thu, trong đó tiền ăn bán trú được quy định cụ thể theo nhóm các trường học ở khu vực. Không ít trường đang cố gắng “cân đo đong đếm” để thực hiện đúng với tinh thần Nghị quyết 04.

Cân đối để có bữa ăn chất lượng

Theo Nghị quyết 04, đối với các trường thuộc nhóm 1 (các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân và TP Thủ Đức) tiền suất ăn trưa bán trú không quá 35.000 đồng/suất. Các trường thuộc nhóm 2 (các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) tiền ăn trưa tối đa là 32.000 đồng/suất. Tiền ăn sáng của trẻ mầm non và tiểu học tối đa 20.000 đồng/suất.

Trong bữa ăn bán trú không có mục bữa ăn xế, tuy nhiên nhiều nhà quản lý cho biết trẻ cần được ăn xế để đảm bảo sức khỏe tiếp tục việc học vào buổi chiều. Do đó, nhà trường cũng “cân đo đong đếm” trong khoản đó để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh.

Ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6, cho biết với mức thu tiền ăn theo Nghị quyết 04 tạo điều kiện thuận lợi cho trường trong việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh.

“Năm ngoái, mỗi suất ăn trường thu 33.000 đồng, còn năm nay theo quy định mới trường tăng thêm 1.000 đồng/suất. Học sinh sẽ được ăn bữa trưa với ba món canh, rau và món mặn kèm tráng miệng, Bên cạnh đó, sau khi ngủ dậy, các em còn có một chiếc bánh ngọt. Với số tiền 34.000 đồng/suất, tôi sẽ cân đối để làm sao khẩu phần ăn đảm bảo chất dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Cường nói.

Tại Trường THPT Phước Long, TP Thủ Đức, bà Vũ Thị Hồng Châu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm học 2022-2023, trường thu suất ăn bán trú là 30.000 đồng. “Với số tiền trên, nhiều phụ huynh kiến nghị thu thêm để đảm bảo bữa ăn cho các con. Sang năm học này, sau khi lấy ý kiến phụ huynh theo Nghị quyết 04, trường thống nhất thu 34.000 đồng/suất” - bà Châu nói và cho biết với mức thu trên đối với các trường ở quận 1 sẽ gặp khó.

Các cơ sở giáo dục công lập căn cứ tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh để xây dựng dự toán thu - chi cho từng nội dung thu, làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi đủ, phù hợp với tình hình thực tế năm học trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

IMG_20230920_070756.jpg
Khu vực chế biến bữa ăn bán trú của Trường Tiểu học Nguyễn Bình Khiêm, quận 1. Ảnh: NQ

Bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, cho biết năm học 2022-2023, trường thu tiền ăn 30.000 đồng/suất. “Đến thời điểm này, các trường vẫn chưa thông báo thu do đang đợi văn bản từ phía UBND quận. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 04 mức thu tiền ăn các trường sẽ được tăng lên nhưng không quá 15% so với trước đó” - bà Trâm nói.

Cũng theo bà Trâm, với tiền ăn 30.000 đồng/suất trong năm vừa qua nhà trường cũng xoay xở để các con có bữa ăn chất lượng. Vì thế, với mức thu theo Nghị quyết 04, trường sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện.

Giảm tiền, cắt bữa ăn xế

Trong khi đó, nhiều trường ở các quận trung tâm đang đau đầu với mức thu tiền ăn bán trú theo quy định.

Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1, cho biết tiền ăn với mức tối đa 35.000 đồng/suất rất khó cho nhà trường trong việc tổ chức bữa ăn cho các học sinh.

Theo ông Khoa, nhiều năm nay trường thu 40.000 đồng/suất ăn và nhận được sự đồng tình của phụ huynh. Học sinh ngoài ăn bữa chính, các em vào buổi chiều còn được uống sữa ngoại. “Tuy nhiên, để thực hiện đúng quy định, năm học này trường chỉ thu 35.000 đồng/suất. Với số tiền trên, trường đã ngưng phần xế để tập trung vào bữa ăn chính do kinh phí không đủ. Bữa ăn trưa sẽ có ba món mặn để các em chọn lựa ngoài cơm, canh và rau” - ông Khoa nói thêm.

Một số khoản thu chưa hợp lý

Với mức thu 35.000 đồng/suất đối với nhóm 1 thì trường học khó xoay xở, do đó năm học này món tráng miệng sẽ bị cắt để đảm bảo chất lượng bữa ăn. Điều này phụ huynh rất tâm tư và đặt câu hỏi tại sao trường công lại có quy định về mức tiền ăn, trong khi các trường ngoài công lập lại nằm ngoài nghị quyết này.

Trong nghị quyết có khoản tiền giữ xe học sinh với mức 2.000 đồng/lượt. Số tiền trên rất khó để có thể trả chi phí thuê nhân viên giữ xe, mặt khác nếu có rủi ro cũng không có kinh phí để bồi thường. Do đó, mức thu này cần xem xét và có sự điều chỉnh tùy theo đặc thù từng trường.

Trước đây, trường có thu tiền vệ sinh và tiền vệ sinh bán trú. Trong đó, tiền vệ sinh tất cả học sinh sẽ đóng, còn tiền vệ sinh bán trú chỉ học sinh nào đăng ký bán trú mới phải thực hiện. Tuy nhiên, trong nghị quyết chỉ quy định nội dung thu tiền tổ chức quản lý, phục vụ vệ sinh bán trú. Điều này gây khó cho các trường trong việc vệ sinh do không có đủ kinh phí vì học sinh đông, trường phải thuê dịch vụ vệ sinh công nghiệp vệ sinh khu vực nhà vệ sinh mới không bị hôi, dơ. Do đó, nghị quyết cần bổ sung thu thêm khoản phí vệ sinh chung….

Lãnh đạo một trường THPT tại quận trung tâm kiến nghị

w-P13-bua an ban tru.jpg
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh cũng cho biết tiền ăn giảm, phụ huynh cũng không hài lòng nên có kiến nghị với trường tăng lên mức thu cũ nhưng trường phải thực hiện theo đúng quy định.

“Việc quy định tiền ăn theo một mức chung cho các bậc học trong khi sự phát triển thể lực, sức khỏe, nhu cầu lứa tuổi của các em khác nhau là một sự bất cập. Do đó, tôi nghĩ rằng nghị quyết nên xây dựng mức thu cho từng loại hình, bậc học sẽ phù hợp hơn. Mặt khác, nhu cầu mức sống của quận 1 và các quận lân cận cao hơn so với các quận, huyện khác trong TP. Vì thế, việc quy định mức thu cứng như thế gây khó cho trường. Do đó, tôi mong mỏi mức thu trên sẽ được điều chỉnh trong khoảng 35.000-40.000 đồng/suất để hiệu trưởng và phụ huynh cùng thống nhất” - ông Khoa bày tỏ.

Tương tự, hiệu trưởng một trường THCS ở trung tâm TP cho hay bảy năm qua tiền ăn bán trú của trường là 40.000 đồng/suất. Do đó, với mức thu không vượt quá 35.000 đồng/suất theo quy định, nhà trường sẽ phải tính toán sao cho phù hợp.

Theo vị này, chín năm nay trường đã thu tiền ăn với giá 35.000 đồng/suất. Với chi phí như trên là bài toán khó cho các trường trong vấn đề “bão giá”, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như khẩu phần ăn đối với các trường ở địa bàn trung tâm. Tuy nhiên, dù khó nhưng nhà trường cũng cố gắng cân đối.

Lắng nghe, xem xét, điều chỉnh

Để có cơ sở đưa ra các mức thu trên, Ban Văn hóa - Xã hội đã khảo sát một số trường học ở các loại hình từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT… về các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục. Từ đó, đoàn có làm việc và đề nghị Sở GD&ĐT tham mưu TP xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND TP liên quan đến các nội dung thu, đúng theo quy định của Nghị định 81 của Chính phủ.

Qua khảo sát tổng thể có 26 khoản thu. Các chuyến đi thực tế cho thấy còn nhiều vấn đề phải quan tâm và tiếp tục nghiên cứu, phân tích để có giải pháp tốt hơn. Do đó, trước mắt Nghị quyết chỉ quy định nội dung thu, mức thu tối đa đối với 26 khoản này trong năm học 2023-2024.

Sau năm học này, HĐND TP.HCM tiếp tục ngồi lại với các cơ quan, đơn vị, địa phương có thẩm quyền để xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng lạm thu, sử dụng nguồn kinh phí thu không đúng mục đích, sai quy định.

Đề nghị Sở GD&ĐT và các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, giám sát các nguồn thu, hồ sơ sử dụng cho đúng quy định.

Ngành giáo dục các địa phương, trường học rà soát thống kê những khoản thu, những nội dung hoạt động bổ trợ giáo dục chưa có trong danh mục nhưng có tác động tích cực đến hoạt động dạy và học của nhà trường để kiến nghị bổ sung cho năm học sau. Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm