Sau khi rảo quanh mâm cơm, chồng xa gần: thịt bò xào tỏi boa- rô à, ngon ngon. Mà món này phải chấm nước tương thì hợp hơn nước mắm ha?
Vợ nặng nề nhổm lên lấy chén nước tương, đặt xuống bàn, động tác hơi gắt.
Chồng: Nước tương phải có vài lát ớt chứ, cay cay mới ngon.
Vợ (ngồi phịch xuống ghế, thở ra): Anh đi mà lấy. Làm gì có chuyện một người ngồi ăn, một người chạy hầu vậy?
Chồng (vừa đứng dậy lấy ớt, vừa lèm bèm): Lấy trái ớt thôi mà cũng sưng sỉa.
Vợ: Anh vừa nói gì?
Chồng kéo ghế, dằm ớt: Thôi bỏ đi, không có gì, em ăn cơm đi.
Vợ: Anh ăn đi, tôi no rồi.
Chồng: Ơ kìa, đã ăn đâu mà no, mất công nấu cả buổi, phải ănđi chứ.
Vợ: Anh còn biết tôi nấu mất công cả buổi à? Sao không biết nghĩ đến người khác? Đi làm về đã mệt, lại phải vào chợ mua đồ tươi để nấu món chồng thích, dọn ra mâm cho chồng ăn. Anh là vương, là tướng gì trong nhà này mà mỗi lần ăn cơm là sai vợ lấy hết cái này đến cái kia như vậy?
Chồng: Lạ nhỉ, bình thường vẫn vậy mà!
Vợ: Đúng. Bình thường vẫn vậy, bao năm qua vẫn vậy, là do tôi nhẫn nhịn. Tôi nghĩ, thôi thì đã ngồi vào mâm cơm, nhịn một chút để ăn cho ngon. Nhưng tôi chịu hết nổi rồi. (bật khóc)
Chồng: Em hay nghĩ ngợi quá, có gì đâu, chỉ đơn giản là anh nhờ em lấy nước tương, trái ớt, em không lấy được thì anh tự lấy.
Vợ: Thà anh nhờ cho ra nhờ đi. Tôi ghét nhất cái kiểu ngồi chễm chệ trong bàn ăn rồi nói bóng nói gió. Sao anh không bảo là “lấy giúp cho anh chén nước tương” mà cứ phải nói kiểu “món này mà ăn với nước tương thì mới hợp”? Sao anh không nói “em cho thêm ớt vào nước tương” mà lại nói kiểu “nước tương thì phải có ớt cay cay mới ngon”. Tôi ghét kinh khủng thái độ đó. Vợ chồng với nhau, có cần phải bóng gió vậy không?
Chồng: Anh nói như vậy cho dễ nghe thôi mà, em không thích thì lần sau anh không nói như vậy nữa.
Vợ bới chén cơm, chưa kịp và vào miệng lại khóc nấc vì trào lên cơn tức: Chồng người ta thấy vợ nấu ăn là lao vô phụ, có ông còn nấu ăn thay vợ. Chồng mình thì sao? Ngồi chờ vợ dọn ra, chỉ việc ngồi ăn mà ăn cũng không nên hồn. Chê ỏng chê eo, rồi còn sai vợ lấy hết cái này đến cái kia. Tôi chán lắm rồi, từ ngày mai ăn cơm bụi, mạnh ai nấy ăn cho khỏe, khỏi ai phiền ai.
Chồng: Chỉ là chuyện chén nước tương, trái ớt thôi mà em nặng nề quá vậy? Hôm nay em bị làm sao ấy.
Vợ: Chén nước tương với trái ớt chỉ là chuyện nhỏ, nhưng nó cho thấy cái cách anh đã quen với việc thích hưởng thụ, lười vận động. Chắc là do tôi chiều quá, giờ anh mới sinh hư như vậy. Ngày xưa, anh có tệ như bây giờ đâu.
Chồng: Thôi đi, trời đánh tránh bữa ăn. Có chuyện nhỏ thôi mà cứ lải nhải miết, có muốn cho người ta ăn cơm nữa không?
Vợ: Chuyện là do anh gây ra, anh phải chịu. Anh ăn cơm có nổi hay không thì tùy anh, tôi không quan tâm.
(Con buông đũa, vợ buông theo, rời khỏi bàn. Chồng ngồi như tượng, nuốt không trôi).
Anh ngồi nghĩ ngợi. Ở công ty hay ra ngoài xã hội, anh là người đàn ông ga-lăng. Đi taxi cùng phụ nữ, anh xăng xái mở cửa, đóng cửa; trong phòng làm việc có trái cây, anh cũng tự tay gọt cho các chị em ăn; giúp được phụ nữ cái gì là anh xung phong giúp, mà giúp rất hăng. Không biết từ bao giờ, bước đến cửa nhà là anh lười hẳn. Anh cũng không để ý rằng, bao năm qua, việc vợ nấu cơm, dọn cơm, ăn xong lại dọn dẹp, rửa chén, rồi vợ còn phải đứng lên đi lấy cái này cái kia trong bữa ăn cho chồng. Như một thói quen, thành quán tính, anh cứ nghĩ tất cả những điều đó là… bình thường.
Anh thử liên tưởng, nếu ở công ty mà anh cũng đòi hỏi đồng nghiệp nữ cơm bưng nước rót như vợ ở nhà thì sao? Chắc chắn đó là điều không tưởng. Anh luôn cố gắng tỏ ra là một người đàn ông chu đáo, không ngại vất vả và cưng chiều phụ nữ ở nơi làm việc, nhưng sao mình lại tệ với vợ đến vậy khi về nhà?
Rồi anh nhớ lại những lần vừa chấm đũa miếng đầu tiên đã chê ỏng chê eo rằng “gà kho gừng kiểu này chưa thấm em ạ”, “mình là người Bắc chứ có phải người Nam đâu mà canh chua ngọt lừ thế này?”, “cần tái cải nhừ, em xào rau cần nước mềm nhũn thế này thì còn gì là ngon nữa”… Nghe những lời ấy, vợ anh thường sa sầm nét mặt, chẳng nói chẳng rằng. Lúc đó anh còn nghĩ, vợ thật cứng đầu, góp ý cho mà không nghe, lại còn bày đặt tự ái đùng đùng.
Bây giờ xét lại, anh thấy mình thật quá đáng. Mình kì cạch nấu ăn, bưng ra mà có ai đó nói lên nói xuống, chắc là mình hất cả mâm cơm luôn, chứ sa sầm mặt là còn nhẹ.
Từ trước đến giờ, anh cứ nghĩ khái niệm gia trưởng là dành cho những tên “quái thai” nào đó. Giờ lại thấy hình như mình cũng bị nhiễm cái thói ấy mất rồi.
Theo Nhật Bình (PNO)