Bà Nguyễn Thị Lý Dung (Đà Nẵng) cho biết mình và ông hàng xóm mua nhà ở cạnh nhau. Đầu năm 2011, ông hàng xóm sửa nhà đã phá bức tường chung làm lòi ra nhà vệ sinh của bà. Thêm vào đó, khi tường bị phá, các ống nước bị đụng vào nên các vật dụng liên quan bị hư hỏng. Nhà này bà cho thuê nên khi nhà vệ sinh lẫn các vật dụng bị ảnh hưởng thì không còn ai đến thuê nữa.
Bà Dung trần tình: Không có nhà vệ sinh thì làm sao ở. Nơi ăn, nơi ở quan trọng thế nào thì nhà vệ sinh cũng quan trọng như vậy. Dù nhà vệ sinh nhỏ nhưng nếu hư hỏng thì nó vẫn ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của gia đình… Tính đi tính lại bà bị thiệt hại tới gần 200 triệu đồng.
Sau đó bà Dung đã yêu cầu ông hàng xóm bồi thường nhưng ông này không đồng ý. Theo ông hàng xóm của bà Dung, đây là tường của ông. Trong giấy tờ, diện tích đất của ông là 55 m2, nay ông chỉ phá tường trong phạm vi đất của ông, bà Dung xây nhà vệ sinh tựa vào tường nhà ông là lỗi của bà.
Cho rằng ông hàng xóm không có thiện chí bởi nhà có tường chung thì mỗi bên sở hữu một nửa, nay ông hàng xóm phá tường nghĩa là đã làm thiệt hại một nửa tường của bà, xâm phạm tới tài sản của bà nên bà Dung kiện ra tòa.
Quá trình xử án vừa qua, hai cấp tòa ở Đà Nẵng chấp nhận một phần đơn khởi kiện của bà Dung. Phía VKS khẳng định đúng là trong giấy tờ liên quan không hề ghi tường chung, tường riêng nhưng cần phải xem xét nguồn gốc. Hồ sơ hóa giá của Nhà nước vào tháng 7-1977 có ghi nhận giữa hai hộ có bức tường chung. Vì vậy đây là cơ sở để xem xét việc ông hàng xóm phá tường là đụng tới tài sản của bà Dung.
HĐXX cũng nhận định theo ghi nhận nguồn gốc đất và ý kiến của những người chủ trước thì giữa nhà ông hàng xóm và bà Dung có bức tường chung dài 2,6 m. Ông hàng xóm phá bức tường này là sai. Tuy nhiên, nay nhà vệ sinh vẫn còn một số tài sản còn dùng được nên tòa chỉ yêu cầu ông hàng xóm bồi thường cho bà Dung hơn 72 triệu đồng tiền mất thu nhập do người thuê nhà hủy hợp đồng do nhà vệ sinh hổng một bức tường và gần 10 triệu đồng tiền xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh.
THANH BÌNH
Không ai chịu ai Tại phiên tòa, bà Dung cho biết ngày ông hàng xóm phá tường bà đã can ngăn và yêu cầu đừng cắt các ống nước nhưng ông vẫn khăng khăng nên phải ra tòa để phân giải trắng đen. Còn ông hàng xóm cho rằng ngay sau khi phá tường, biết làm hỏng nhà vệ sinh của bà Dung ông đã xin sửa tường để không làm ảnh hưởng tới tình làng nghĩa xóm nhưng bà không chịu nên mới để vụ án kéo dài. Vị thẩm phán bảo chỉ vì một bức tường bị phá mà ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm. Nếu ngay từ đầu khi bà Dung nói ông hàng xóm đừng cắt vòi nước và được đồng ý hoặc khi ông hàng xóm có ý muốn sửa nhà vệ sinh và được bà Dung đồng tình thì vụ án chẳng kéo dài ba năm trời . Chỉ vì muốn làm đến nơi đến chốn mà họ sẵn sàng hắt đi bát nước đầy và làm ảnh hưởng cả về kinh tế và thời gian của đôi bên. Điều này thật đáng tiếc. |