Phó Thủ tướng đánh giá những kết quả nghiên cứu, thử nghiệm của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là rất đáng khích lệ, đưa ra hướng xử lý bước đầu có hiệu quả đối với bùn đỏ.
Theo báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bùn đỏ trong khai thác bauxite tại khu vực Tây Nguyên có chứa hàm lượng sắt cao hơn hẳn khi so với các khu vực khác trên thế giới như Úc, Hungary… Tại dự án alumin Lâm Đồng, hàm lượng Fe2O3 từ 46% đến 53%. Đây được coi tương đương với quặng sắt nghèo, có khối lượng lớn và có thể định hướng để sản xuất gang thép.
Năm 2012, đơn vị nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm quy mô công nghiệp 1-10 tấn/mẻ. Kết quả, hiệu suất thu hồi sắt trung bình đạt trên 70%, xỉ lò có đủ tiêu chuẩn sản xuất clinker và vật liệu xây dựng không nung. Quá trình này còn tách được một lượng hóa chất xút. Tại mẻ thử nghiệm tiến hành tháng 5-2012, 10 tấn bùn đỏ có hiệu suất thu hồi sắt 71%, tạo ra 2,539 tấn thép có cường độ chịu lực cao… Sau khi tính toán, đơn vị đề xuất sản xuất sắt xốp (hàm lượng sắt 89%-96%). Đây cũng là sản phẩm nguyên liệu đầu vào có nhu cầu cao trên thị trường sản xuất sắt thép…
HL