Buộc luật sư khám sức khỏe: Vô lý!

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Đoàn luật sư tỉnh này cho các luật sư từ 58 tuổi trở lên đi “giám định sức khỏe”, nếu không đạt thì đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư. Xung quanh chuyện này rất nhiều chuyên gia và người trong giới đã lên tiếng phản đối...

Luật sư Võ Thành Vị, Đoàn luật sư TP.HCM:

Quy định ở đâu?

Hiện không có một quy định nào buộc luật sư phải nghỉ hưu hay nghỉ mất sức. Luật cũng không quy định luật sư phải làm đến một độ tuổi nào đó rồi ngưng. Luật sư làm nghề của mình cho đến chết thì thôi. Luật cũng không quy định là luật sư phải đi khám sức khỏe rồi căn cứ vào đó để rút chứng chỉ hành nghề của luật sư. Việc buộc luật sư lớn tuổi phải đi khám sức khỏe là không có cơ sở pháp lý.

Tôi cho rằng nghề luật sư là một nghề đặc thù mà trong đó sự tương tác giữa khách hàng và luật sư là rất lớn. Nếu luật sư làm không tốt, không uy tín thì khách hàng sẽ không tìm đến. Cũng giống như bán hàng, nếu anh bán hàng không chất lượng thì tự khắc khách hàng sẽ bỏ anh. Lúc đó, dù luật sư có muốn làm việc đi chăng nữa cũng không được vì có ai mời anh đâu. Do vậy, nếu luật sư nào không có sức khỏe để làm việc tốt thì chắc hẳn là khách hàng sẽ không nhờ và luật sư nên tự mình rút lui.

Tuy nhiên, cũng nên hiểu rằng luật sư không chỉ ra trước tòa để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng mà luật sư còn có thể làm công tác tư vấn. Nếu luật sư nào sức khỏe yếu, ra tòa không được thì họ có thể ngồi ở văn phòng tư vấn cho khách hàng. Lúc này thì kiến thức, trình độ của luật sư sẽ là yếu tố quyết định.

Luật sư Lê Quốc Hiền, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa:

Chỉ nên vận động rút khỏi đoàn

Việc khám sức khỏe chỉ là điều kiện để quản lý đầu vào luật sư. Trong quá trình hoạt động thì luật sư hoạt động đến chết, không giới hạn độ tuổi. Thậm chí luật sư sắp “gần đất xa trời” vẫn có quyền tư vấn cho khách hàng. Gặp trường hợp luật sư có sức khỏe yếu thì nên vận động luật sư tự rút tên, nếu luật sư không chịu thì thôi.

Theo điều lệ, nếu luật sư không có bất cứ hoạt động hành nghề nào trong thời gian nhất định thì sẽ bị xóa tên. Tuy nhiên, thực tế có thể đặt ra trường hợp nếu luật sư có nhược điểm về tâm thần thì khi có yêu cầu giám định, cơ quan chức năng có thể buộc luật sư ấy đi giám định. Nếu kết quả đúng là luật sư đó có vấn đề thì đoàn sẽ tạm ngừng hoạt động của luật sư, buộc luật sư đi chữa bệnh nhưng cũng không thể rút chứng chỉ hành nghề.

Ông Tôn Văn Trung, Phó Chánh án TAND quận 12 (TP.HCM):

Không ai làm thế!

Nếu chỉ là việc đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm như cán bộ, công chức thì không có vấn đề gì vì giúp phát hiện có bệnh hay không để chữa trị. Còn chuyện xem vấn đề sức khỏe yếu để cho thôi hành nghề, rút chứng chỉ luật sư là thiếu cơ sở và không ai làm thế. Nếu thấy họ có vấn đề về sức khỏe thì nên động viên họ nghỉ vẫn hay hơn. Tôi cũng cho rằng nghề luật sư là nghề tự do, khách hàng tự tìm đến rồi cũng sẽ tự rút ra cho mình kết luận là có nên nhờ luật sư hay không. Trong đó, việc khách hàng không yên tâm với sức khỏe luật sư cũng có thể là một lý do để họ không nhờ luật sư nữa...

Luật sư Tạ Quang Tòng, Đoàn luật sư tỉnh Dăk Lăk:

Không ổn!

Dựa vào tiêu chí nào để định rằng sức khỏe của luật sư không đảm bảo để hành nghề? Luật sư bị đau bao tử, đau mắt... nhưng họ vẫn có thể nói được, suy nghĩ được thì có thể coi là không đảm bảo hành nghề không? Hay luật sư bị khuyết tay, chân... thì có bị rút chứng chỉ hành nghề không? Quá nhiều cái không rõ, không được pháp luật quy định mà đã vội vàng tính chuyện “loại” luật sư già yếu là không ổn.

Tôi cho rằng những vấn đề sức khỏe trên không thể là căn cứ để rút chứng chỉ hành nghề luật sư được. Thậm chí từ trước tới nay, ngay cả khi một luật sư qua đời cũng chưa thấy ai rút chứng chỉ hành nghề của luật sư đó cả. Việc buộc luật sư đi khám sức khỏe như vậy là rất vô lý, không cần thiết, làm tốn thời gian, công sức của nhiều người.

Luật sư Nguyễn Đình, Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương:

Bất công cho luật sư quá!

Tôi cũng đồng tình rằng chỉ đạo này thiếu cơ sở pháp lý. Nói rằng để quản lý tốt hơn đội ngũ luật sư rồi buộc như vậy cũng chưa hợp lý bởi nghề luật sư mang tính chất tự đào thải rất rõ. Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý không tốt thì không có khách hàng. Luật sư uy tín, có trình độ, khả năng thì được tín nhiệm. Nói rằng “gừng càng già càng cay” cũng rất đúng trong trường hợp này. Chưa kể để xây dựng nên thương hiệu riêng của mình thì không thể ngày một, ngày hai mà có thể mất vài chục năm hoặc cả đời người. Rất khó cho một luật sư trẻ mới vào nghề mà có ngay thương hiệu, uy tín được. Họ phải có thời gian để làm nên tên tuổi. Do vậy nếu chỉ nhìn vào sức khỏe luật sư lớn tuổi mà không cho họ tiếp tục hành nghề là rất bất công.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm