Bước tiến dài của con người trong vũ trụ cô đơn

Hai tuần trước, PLO đăng tin Não nhân tạo gần bằng não người giúp điều trị "bá bệnh". Nhưng hôm nay tôi mới đọc được thông tin ấy trong sự sững sờ. Đó thật sự là một thành tựu đáng kinh ngạc của các nhà khoa học Mỹ trong lĩnh vực thần kinh - sinh học. Nhưng tôi cũng choáng váng với suy nghĩ, nếu một ngày họ nuôi cấy được bộ não hoàn thiện và rồi bộ não ấy có cảm xúc và nhận thức thì sao? Sẽ có cuộc khủng hoảng về đạo đức, nhân quyền diễn ra trong tương lai hay không, có ai chắc rằng con người sẽ tự vạch ra các giới hạn cần thiết cho các phát kiến của mình?

Có lần tôi trò chuyện với một kỹ sư tin học, anh là một người rất say mê khoa học điện tử. Khi tôi nói rằng cần phải đặt giới hạn đạo đức cho các hoạt động khoa học, anh phản bác: Khoa học sẽ không có giới hạn. Khoa học sẽ đưa con người đi rất xa, chắc chắn con cháu chúng ta sau 50 năm nữa sẽ sống trong một thế giới mà ngay bây giờ chúng ta cho là viễn tưởng. Đừng lấy đạo đức trói chân khoa học. Anh thậm chí rất thích thú với tương lai có những người máy hoàn hảo như con người và chung sống với con người như trong tiểu thuyết nổi tiếngNguồn cội của Dan Brown. Tôi lúng túng và dừng cuộc nói chuyện ở đó.

Người máy Sophia mặc áo dài Việt Nam, có thể trả lời phỏng vấn của ký giả tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 do Chính phủ Việt Nam tổ chức tháng 7-2018. Đây cũng là người máy được cấp quyền công dân đầu tiên trên thế giới. Nhiều người dự đoán trong tương lai, người máy như Sophia có thể thông minh hơn con người và có cảm xúc như con người. 

Tôi hỏi một giảng viên là nghiên cứu sinh ngành tâm lý, con người sẽ đi tới đâu khi chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng khác với thế giới mà chúng ta sinh ra? Một thế giới nhân tạo có khả năng có cảm xúc như chúng ta và có thể thông minh hơn chúng ta? Cô ấy trả lời: "Thì vẫn... làm Người thôi. Thứ tạo nên con người chính là tâm hồn, là nhân cách, là cảm xúc. Chúng ta khám phá được cả thế giới bao la ngoài kia thì chúng ta càng phải hiểu được nội tâm của chính mình. Khi hiểu được, chúng ta sẽ an ổn mà làm Người".

Câu trả lời ấy có ý nghĩa với tôi bởi tôi có thể chuyển tiếp nó đến với những người có nội tâm bất ổn và có xu hướng anti-thế giới hiện đại. Họ gặp nhiều vấn đề về tâm lý vì không có khả năng thích nghi với cuộc sống. Nhiều người trong số họ cho rằng con người ngày càng lạc đường, họ không chấp nhận một thế giới mà ngày càng khác xa với thế giới họ đã trải qua. Họ không gọi chính xác được tên cuộc khủng hoảng diễn ra bên trong nội tâm của họ. Nhưng suy nghĩ của họ đã trở nên cực đoan hơn, thậm chí tham gia các hoạt động có tính cực đoan như chống vaccine, chống sử dụng các thiết bị thông minh, gia nhập các giáo phái hướng về cuộc sống thuận tự nhiên...

Tôi đã đi xem bộ phim Ad Astra (tên tiếng Việt: Giải mã bí ẩn ngân hà), bộ phim nổi tiếng nhờ sự tham gia của Brad Pitt. Nếu không có tên tuổi của Brad Pitt, có lẽ phim cực kén khán giả vì nó mang lại cảm xúc căng thẳng, bức bối, trống rỗng và đau đớn. Đó là cuộc phiêu lưu của phi hành đoán đến những nơi xa xôi trong vũ trụ bao la để tìm kiếm những bí ẩn của vũ trụ, cuộc đi xa triệu dặm ấy đã cho họ cơ hội nhận ra họ cần một cái ôm, cần khoảnh khắc thức dậy ngắm ánh nắng nhảy múa bên cửa sổ, khoảng khắc vui đùa với người thân. Họ nhận ra họ đạt được những thành tựu rực rỡ trong khoa học mà quên mất gia đình của mình, những bài test tâm lý trên chiếc máy thông minh luôn cho kết quả ổn nhưng không hề đọc được sự cô đơn cùng cực của con người.

Như chia sẻ của Brad Pitt, anh không còn quá quan tâm tới tiền bạc khi đóng phim mà anh muốn quay về với nội tâm của con người. Loài người đã đi rất xa trên con đường chinh phục vũ trụ bao la ngoài kia nhưng họ vẫn cô đơn nhường nào trong thế giới nội tâm. Hiểu cả vũ trụ không quan trọng bằng việc hiểu được chính nội tâm của mình, bước qua những thành tựu rực rỡ không khó bằng vượt qua những đau đớn của cá nhân.

Đó là một hành trình gian nan vạn dặm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới