Buôn lậu trên tuyến đường sắt Bắc-Nam

Khi các tuyến đường bộ bị kiểm soát gắt gao, các đối tượng buôn lậu chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Hàng lậu không chỉ là linh kiện điện tử, áo quần, vật tư y tế xuất xứ từ Trung Quốc từ Bắc vào Nam mà gỗ lậu từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng theo đường sắt ra Bắc tiêu thụ. Thế nhưng để cắt toa, kiểm tra hàng thì cơ quan chức năng phải trải qua nhiều thủ tục. ngành đường sắt cho rằng nếu nghi vấn hàng lậu thì kiểm tra ở ga cuối, tránh việc dừng tàu tràn lan, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Hàng lậu Trung Quốc lên tàu vào Nam

Ngày 4-8, tàu TN1 từ Hà Nội đến TP.HCM, nhận được tin báo Công an TP Đà Nẵng đã yêu cầu mở niêm phong kiểm tra. Sau khi cắt lại toa hành lý, công an phát hiện hàng chục kiện hàng quần áo linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô và xe máy đóng thành từng bao lớn. Chủ hàng chỉ xuất trình một số hóa đơn nhỏ lẻ, còn lại không có hóa đơn chứng từ rõ ràng. Theo đại diện ga Đà Nẵng, hàng này đóng gói và bốc lên tàu từ ga Hà Nội vào TP.HCM. Trước đó, ngày 2-1, Công an TP Đà Nẵng kiểm tra toa chở hàng tàu TN1 từ Hà Nội đi TP.HCM phát hiện 15 tấn hàng được chất trong 122 kiện chứa hàng điện tử, linh kiện xe máy, quần áo mà hầu hết không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Theo thông tin PV, phần lớn số hàng này có nguồn gốc từ Trung Quốc được vận chuyển vào Việt Nam. Về đến ga Hà Nội, hàng được “phù phép” bằng các loại hóa đơn thông thường để chuyển lên tàu vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

Cơ quan chức năng gặp khó trong việc dừng tàu, mở toa kiểm tra.

Gỗ lậu cũng “leo” tàu

Không chỉ vận chuyển hàng hóa thông thường, các đối tượng buôn lậu còn sử dụng đường sắt để vận chuyển gỗ lậu từ phía Nam và miền Trung - Tây Nguyên ra miền Bắc tiêu thụ. Khi bị phát hiện, chủ các lô hàng này bỏ trốn, không đến nhận hàng. Đêm 21-5, tàu hàng 1 chạy từ Nam ra Bắc đến ga Kim Liên (Đà Nẵng), nghi vấn có chở hàng lậu, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP Đà Nẵng kiểm tra. Qua kiểm tra, PC46 phát hiện khoảng 85 m3 gỗ hương (thuộc nhóm quý hiếm) giá hơn 4 tỉ đồng. Số gỗ này “leo” tàu từ ga Thủy Thạch (Quảng Ngãi) đến ga Từ Sơn (Bắc Ninh). Chủ số gỗ khi biết tin bỏ trốn, không đến nhận hàng. Tương tự, ngày 23-5, đoàn tàu hàng TP.HCM đi Hà Nội, khi đến ga Đồng Hới (Quảng Bình) bị lực lượng chức năng phát hiện lượng lớn gỗ trắc, gỗ hương, cẩm lai không có hồ sơ, chứng từ đầy đủ. Số gỗ này có nguồn gốc từ Kon Tum rồi chở bằng xe tải đến ga Quảng Ngãi lên tàu ra Bắc.

Hàng lậu “dễ” lên tàu

Việc để số lượng gỗ lậu lọt qua hàng loạt chốt kiểm tra các ngành để lên tàu khiến dư luận bức xúc. Nhiều người đặt vấn đề: “Quy trình kiểm tra hàng hóa lên tàu thế nào mà hàng lậu lên được tàu mà không bị phát hiện?”. Bà Đặng Thị Hà, tổ trưởng tổ hành lý (ga Đà Nẵng), cho biết khi gửi hàng hóa bằng đường sắt thì phải có hóa đơn và các loại giấy tờ khác liên quan đến lô hàng. Nhưng đó là các hóa đơn thông thường, lúc công an kiểm tra thì mới biết là các hóa đơn đó không hợp lý. Nhà ga không đủ khả năng xác định hóa đơn thật hay giả, có hợp lý hay không. “Lâu nay vẫn xảy ra tình trạng chủ hàng khai man hàng hóa để đánh lừa nhà ga. Họ cung cấp hồ sơ một đằng nhưng hàng hóa bên trong lại một nẻo. Có người đến gửi hàng là áo quần, giày dép nhưng bên trong lại là linh kiện điện tử, đồ phụ tùng xe máy” - bà Hà cho biết.

Hàng chục tấn hàng lậu được vận chuyển trên tuyến đường sắt Bắc-Nam bị phát hiện, bắt giữ. Ảnh: TẤN TÀI

Đối với vận chuyển gỗ, chủ hàng chỉ đưa nhà tàu kiểm tra một bộ hồ sơ photocopy. Ông Ngô Văn Ngọc, Trưởng ga Đà Nẵng, cho biết: “Nhiều chủ hàng lợi dụng việc này để làm giả hồ sơ cung cấp cho nhà tàu. Nếu họ thay đổi gỗ loại 1 và gỗ loại 4 thì mình cũng khó phát hiện”. Ngoài ra, trong hàng trăm kiện hàng có hóa đơn, chủ hàng chèn vào nhiều lô hàng không có giấy tờ, hàng lậu để né cơ quan chức năng” - ông Ngọc nói.

TẤN TÀI

Cắt toa để kiểm tra hàng lậu không dễ

Ngày 23-5, khi phát hiện tàu hàng vận chuyển gỗ lậu, lực lượng chức năng làm việc với ga Đồng Hới (Quảng Bình) để làm thủ tục cắt toa. Tuy nhiên, phía nhà ga lại cho rằng theo quy định, phải chờ đến ga cuối (ga Hà Nội) mới được mở kiểm tra, để tránh tình trạng dừng tàu tràn lan, ảnh hưởng đến uy tín của ngành đường sắt. Không để “lọt lưới” số gỗ lậu trên, lực lượng chức năng gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình hỗ trợ, nhà ga mới cho mở toa hàng để kiểm tra.

Theo ông Ngọc - Giám đốc ga Đà Nẵng, muốn cắt toa giữa chặng hành trình để kiểm tra thì phải xin ý kiến của Trung tâm Điều hành vận tải khu vực Đà Nẵng. Sau đó, trung tâm này có văn bản gửi ra xin ý kiến của trung tâm ở Hà Nội quyết định.

“Việc cắt toa, kiểm tra khiến lô hàng bị chậm hành trình, gây ảnh hưởng cho chủ hàng, ngành vận tải đường sắt bị “mất uy tín” do làm chậm trễ. Ngoài ra, đường sắt còn phải tính toán để dồn toa, bù toa khi bị cắt kiểm tra giữa đường. Chỉ khi là hàng quốc cấm, hàng có nguy cơ xâm hại đến an ninh quốc gia thì mới cắt toa, kiểm tra. Còn nghi ngờ hàng lậu thì nên đợi đến ga cuối. Vì toa hàng đã niêm phong, kẹp chì, chủ hàng không thể nào thay đổi giữa chừng” - ông Ngọc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm