Ở TQ, ngà voi được xem như vàng trắng. Một ký ngà voi được chạm trổ trên thị trường đen có giá 3.000 USD, nguyên chiếc ngà voi có thể có giá tới hơn 10.000 USD. Đặc khu Hong Kong là một trong những địa điểm trung chuyển ngà voi lậu lớn nhất thế giới và hoạt động này ngày càng nhộn nhịp.
Thị trường ngà voi ở TQ ngày càng sôi động theo đà phát triển kinh tế tạo thêm nhiều người giàu và ưa thích chọn mặt hàng này làm quà biếu. Các xưởng chạm khắc trên ngà voi vốn từng phải chuyển hướng sang chạm khắc trên gỗ quý hoặc nữ trang nay lại nhộn nhịp tuyển nhân công chạm khắc ngà voi trở lại.
Ngà voi được bày bán trong một cửa hàng tại Trung Quốc. Ảnh: TELEGRAPH
Nhu cầu tiêu thụ ngà voi ngày càng tăng ở TQ tạo áp lực lên các đàn voi ở châu Phi. Số liệu từ Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã cho thấy mỗi ngày có gần 100 con voi châu Phi bị giết lấy ngà, lượng voi châu Phi hiện chỉ còn khoảng 500.000 con so với 1,2 triệu con năm 1980.
Về lý thuyết, ở TQ có một số lượng ngà voi được giao dịch hợp pháp từ các cửa hàng chính phủ cấp phép. Tuy nhiên, số này không đáp ứng được nhu cầu sở hữu ngày càng nhiều của dân. Một khảo sát của Quỹ quốc tế vì bảo vệ động vật (IFAW) năm 2011 cho thấy có tới 101 cửa hàng trong tổng số 158 cửa hàng buôn bán các sản phẩm ngà voi ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Phúc Châu, Quảng Châu đã hoạt động không phép, chuyên mua bán ngà voi buôn lậu.
Công ước về Buôn bán quốc tế các loài hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1989 cấm mua bán ngà voi để chấm dứt nạn tàn sát voi. Lượng voi sau đó ổn định và tăng dần lại. Năm 2008, CITES lại cho phép bốn nước châu Phi (Namibia, Zimbabwe, Nam Phi, Botswana) bán kho ngà voi của mình sang TQ và Nhật nhằm ngăn chặn nạn giết voi lấy ngà ở hai nước này, số tiền thu được sẽ dùng bảo vệ động vật hoang dã. Đây được xem là bước đi sai lầm khi làm rối loạn thị trường ngà voi, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho ngà voi lậu trà trộn vào thị trường.
Không thể phủ nhận vài năm gần đây chính phủ TQ đã tăng cường truy quét buôn lậu ngà voi, tuy nhiên vẫn có ý kiến chỉ trích chính phủ chưa làm hết sức. Báo New York Times dẫn ý kiến nhiều nhà bảo tồn động vật cho rằng cách duy nhất để cứu lấy các đàn voi là cấm tiệt việc mua bán ngà voi chứ không phải vẫn cho phép như ở TQ hiện nay.
Bàn về mục tiêu thay đổi thái độ của người TQ với ngà voi hội nghị Buôn bán trái phép động vật hoang dã đặt ra, nhiều người mua bán ngà voi ở Tianya (một trung tâm mua bán đồ cổ ở Bắc Kinh) cho rằng điều này không hề dễ dàng. Bằng chứng là giá mua bán các sản phẩm ngà voi ở Tianya không ngừng tăng, đặc biệt trong hai năm nay. Thậm chí việc TQ lần đầu tiên tiêu hủy hơn 6,15 tấn ngà voi tịch thu từ các đường dây buôn lậu (tương đương 1/6 lượng ngà voi buôn lậu bị tịch thu toàn cầu trong năm 2012) hồi tháng 1 cũng chỉ làm cho mặt hàng này nóng hơn.
THIÊN ÂN