Buông lỏng quản lý và phòng ngừa

Vì sao tội ác gia tăng?

Gần đây rộ lên nhiều vụ giết người và bạo hành ở nhiều địa phương với mức độ tàn ác, phi lý trí rất cao. Vụ bắn nhau trên đường Xã Đàn (Hà Nội) gây nên cái chết của một cô gái; vụ một chủ doanh nghiệp ở Bình Dương bị bắn chết trước cửa nhà vì nợ nần; vụ tra tấn như thời trung cổ tại một mỏ thiếc ở Nghệ An... Tội ác ghê rợn đang gia tăng nhưng vì sao và đâu là giải pháp?

Mở đầu chuyên đề này, báo Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài phân tích của Ths Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, giảng viên ĐH Luật TP.HCM và mong nhận được nhiều kiến giải sâu sắc của các nhà nghiên cứu và bạn đọc.

Gần đây, việc sử dụng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn cá nhân trong các vụ phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác đang có xu hướng gia tăng, gây nhiều thiệt hại về vật chất, tinh thần, thể chất của nạn nhân và ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn xã hội.

Giá trị vật chất trở thành thước đo

Tuy cơ chế thị trường có nhiều ưu điểm, tạo ra nhiều thành tựu cho nền kinh tế nhưng cũng chính cơ chế này đang tác động tiêu cực vào đời sống văn hóa, xã hội. Khi xem giá trị vật chất như là thước đo sự thành đạt của một người, nhiều người sẽ bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được giá trị vật chất đó. Và cũng không loại trừ khả năng họ sẵn sàng xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác khi lợi ích vật chất của họ bị xâm hại. Một số lý do khách quan như sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tình trạng lạm phát, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng cũng góp phần khiến tỉ lệ tội phạm gia tăng.

Buông lỏng quản lý và phòng ngừa ảnh 1

Chiếc xe taxi bị bắn thủng và những nghi phạm gây nên cái chết của một cô gái trên đường Xã Đàn (Hà Nội). Ảnh: Thái Thịnh

Sự đa dạng của các loại hình giải trí hay sự đa chiều trong việc tiếp nhận thiếu chọn lọc các nền văn hóa của một bộ phận người dân cũng là những nguyên nhân hình thành cách hành xử bạo lực dựa trên những điều họ đã thấy, đã nghe. Trong đó, các phương tiện thông tin báo chí đóng vai trò quan trọng đặc biệt khi phản ánh tình hình tội phạm, thủ đoạn phạm tội. Ví dụ việc mô tả chi tiết thủ đoạn, cách thức thực hiện hành vi phạm tội có thể thõa mãn nhu cầu thông tin của người dân nhưng cũng thật sự nguy hiểm đối với những người đang hình thành động cơ phạm tội.

Phòng ngừa tội phạm chưa được đầu tư đủ

Vấn đề bạo lực đang trở thành một căn bệnh của xã hội mà trong đó sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước cũng là một nguyên nhân chính. Ngay cả trong môi trường học đường, nơi biểu tượng của văn hóa, đạo đức nhưng vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực mà vẫn không thấy các cơ quan chức năng có biện pháp thích hợp để ngăn chặn. Đó là chưa kể đến tình trạng tiêu cực trong hoạt động tố tụng, việc xét xử, áp dụng hình phạt chưa nghiêm hay những thông tin về “chạy án”, “chạy thi hành án” đã có những ảnh hưởng không tốt đối với dư luận xã hội và dẫn đến sự coi thường pháp luật của một bộ phận người dân.

Là một nước có nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam vẫn đang phòng ngừa tội phạm chủ yếu bằng sức mạnh cưỡng chế nhà nước, thông qua hoạt động phát hiện và xử lý tội phạm. Nhà nước vẫn chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động phòng ngừa tội phạm thông qua những biện pháp tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết pháp luật cho người dân, cũng như việc sắp xếp, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành. Tâm lý ngại kiện tụng bởi quy định tố tụng quá rắc rối; sự quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền của những người làm công tác tố tụng cũng là nguyên nhân khiến nhiều người chọn phương thức khác để đòi công bằng.

Xử lý tận gốc: Đói nghèo và thiếu hiểu biết

Những yếu tố thuộc về sinh học như chủ yếu là nam giới, trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi…, hay hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp, địa bàn cư trú và các đặc điểm thuộc về nhận thức, tâm lý của người phạm tội, định hướng giá trị, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật của người phạm tội đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm. Tùy vào mỗi vụ phạm tội cụ thể mà các đặc điểm này của người phạm tội có vai trò khác nhau trong cơ chế tâm lý xã hội của hành vi phạm tội cụ thể. Nguồn gốc hình thành những đặc điểm này xuất phát từ sự tác động của xã hội đến các đặc điểm sinh học của cá nhân, trong đó hoàn cảnh gia đình giữ vai trò rất quan trọng.

Từ phân tích này, muốn vừa kịp thời phát hiện tội phạm và xử lý tội phạm nghiêm khắc; vừa ngăn ngừa trước không cho tội phạm xảy ra, nhất định phải có sự đồng thuận, nỗ lực của toàn xã hội trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Các cơ quan chức năng đừng để người dân đi vào con đường phạm tội vì thiếu hiểu biết hay áp lực của sự thiếu thốn vật chất. Đây là những biện pháp mang tính triệt để nhưng cần nhiều thời gian và nhiều yếu tố khác liên quan đến sự thay đổi trong nội dung và chương trình giáo dục ở nhà trường, gia đình, các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế, định hướng các giá trị văn hóa, tinh thần cho người dân.

Ths NGUYỄN HUỲNH BẢO KHÁNH (Giảng viên môn Tội phạm học, Trường ĐH Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm