Trẻ tuổi dẫn đến nông nổi
Thực tế điều tra, truy tố, xét xử thời gian qua cho thấy đối tượng phạm tội bạo lực ngày càng trẻ hóa. Đa phần là các học sinh bỏ học đi lang thang rồi thông qua mạng Internet để kết thành băng nhóm sử dụng ma túy, gây ra nhiều vụ đánh nhau, gây rối trật tự xã hội, cướp tài sản...
Điều này cũng được khẳng định trong các hội thảo chuyên đề của các ban ngành tổ chức gần đây. Những tội phạm trẻ tuổi thường là những học sinh quá đề cao giá trị vật chất, quen lối sống hưởng thụ. Họ coi việc sử dụng điện thoại, xe máy đắt tiền là sự khẳng định đẳng cấp, giá trị bản thân. Từ đó, họ đua đòi vượt quá khả năng cho phép. Không ít vụ chỉ vì cần tiền mua quần áo đẹp hay điện thoại di động mà có thể gây ra những vụ án bạo lực chấn động.
Hầu hết bị can, bị cáo trẻ tuổi đều thiếu sự quản lý chặt chẽ, đúng đắn của gia đình. Cạnh đó, các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, ma túy cùng sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội đã một phần tác động xấu đến quá trình phát triển tâm sinh lý cũng như sự nhận thức trong lứa tuổi này. Nhà trường chỉ quan tâm đến việc dạy kiến thức, chưa quan tâm đến việc giáo dục đạo đức lối sống, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật...
Một vụ án giết người do mâu thuẫn tại một phiên tòa lưu động ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Theo tôi, giải pháp để giải quyết tình trạng trên là công an cơ sở phải phối hợp với nhà trường tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong nhà trường và các khu vực phụ cận. Cần đa dạng hóa các hình thức giáo dục về pháp luật, đạo đức để thu hút các em tham gia. Và một điều không thể thiếu chính là sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý con em.
Kiểm sát viênNGUYỄN ANH ĐỨC(TP Đồng Hới, Quảng Bình)
Mầm mống từ các mâu thuẫn trong gia đình
Những vụ án ly hôn gần đây đều có dấu hiệu bạo lực trong gia đình. Nhiều người vợ đã đưa đơn ra tòa xin ly hôn vì tính hung hăng, bạo lực từ phía người chồng. Nạn nhân của việc bạo lực gia đình không chỉ là người vợ mà còn ảnh hưởng đến con cái. Gần đây, nhiều vụ bạo lực trong gia đình diễn ra trong thời gian dài không được giải quyết triệt để dẫn đến con giết cha, vợ giết chồng.
Chúng ta có lực lượng công an và các đoàn thể tại địa phương làm công tác hòa giải, giải quyết các tình trạng bạo lực xảy ra trong gia đình. Nhưng các biện pháp đưa ra chỉ là nhắc nhở, hòa giải, phạt hành chính, rất ít khi khởi tố trừ những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế mà tính răn đe chưa đủ mạnh và bạo lực gia đình lan mạnh. Đây cũng là mầm mống cho bạo lực xã hội lộng hành. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, bạo lực trong gia đình sẽ dẫn đến tội phạm bạo lực trong xã hội gia tăng.
Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM
Nhiều nguyên nhân nhưng ít biện pháp
Hiện nay hiện tượng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong làm ăn kinh tế, trong những bất đồng cuộc sống dù là những mâu thuẫn rất nhỏ nhặt đang gia tăng. Bằng chứng là một loạt các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng, tập trung ở các thành phố lớn. Hiện tượng dùng bạo lực hay sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí tụ chế (súng bắn đạn hoa cải), mã tấu... để giải quyết mâu thuẫn xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Trước nhất là nguyên nhân xã hội, gồm có: sự phân hóa của các thành phần trong xã hội ngày càng rõ rệt; sự phát triển giáo dục; lối sống, truyền thống gia đình (lúc nhỏ bị đối xử bạo lực tác động đến tâm lý của trẻ khi lớn lên); văn hóa xã hội (truyền thông, phim ảnh). Ngoài ra còn có mối quan hệ bạn bè trong xã hội; sự hình thành nhân cách; tự phát sinh tính bạo lực; cái tôi (bị cho là xuất thân từ một tầng lớp hay địa giới hành chính xấu dẫn đến bị kỳ thị… mặc dù bản thân không xấu nhưng sống ở những nơi tập trung dân cư lao động phức tạp cứ bị cho là xấu).
Nguyên nhân thứ hai liên quan đến trật tự quản lý nhà nước: sự quản lý của các đơn vị cơ sở địa phương vẫn còn nhiều thiếu sót, lỏng lẻo (quản lý nhân khẩu thường trú, tạm trú, quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự...); trình độ nhận thức của những người làm công tác thực thi pháp luật, thiếu tính chuyên nghiệp đã dẫn đến nhiều bức xúc trong quần chúng nhân dân... Công tác quản lý cửa khẩu, biên giới chưa chặt chẽ tạo cơ hội cho việc mua bán, vận chuyển tràn lan vũ khí, vũ khí bạo lực (đồ chơi bạo lực như súng hơi, súng bắn đạn nhựa y như thật, dao, kiếm... ). Cạnh đó là sự xuất hiện nhan nhản các trò chơi bạo lực; băng đĩa hình, phim ảnh, truyện tranh có nội dung xấu, mang tính bạo lực...
Cần kể thêm nhiều nguyên nhân khác nữa: ảnh hưởng của những sự kiện xã hội xung quanh (như nhân viên công lực sử dụng vũ khí bừa bãi); những mâu thuẫn của người dân chưa được các cấp chính quyền quan tâm, giải quyết một cách nhanh chóng và đầy đủ khiến mâu thuẫn ngày càng phát triển theo chiều hướng tiêu cực hơn và họ phải tự giải quyết mâu thuẫn bằng cách tìm đến bạo lực; sự cổ động khi một cá nhân có hành vi và ý định giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực thay vì can ngăn hay giải quyết một cách hợp pháp.
Các cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau để đưa ra những biện pháp phòng ngừa tội phạm bạo lực một cách thiết thực và hiệu quả. Phải cố gắng giảm thiểu tính hình thức và nâng cao sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc giải quyết những vấn đề, mâu thuẫn của người dân.
Luật sưNGUYỄN THẾ HỮU TRẠCH,Đoàn Luật sư TP.HCM
HOÀNG YẾN ghi