Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam (VN) được bạn bè quốc tế tín nhiệm, đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọng…, trong đó có việc cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện sứ mệnh giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) ở châu Phi...
Hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân VN, báo Pháp Luật TP.HCM đã có buổi phỏng vấn với Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thanh Hằng, kỹ thuật viên phục hồi chức năng thuộc khoa Nội - Truyền nhiễm, Tổ trưởng Tổ phụ nữ của BV dã chiến cấp 2 số 5 (BV dã chiến 2.5) đóng quân tại Bentiu, Nam Sudan, để được lắng nghe những chia sẻ về hình ảnh của người lính mũ nồi xanh VN.
Tận tụy với công việc và người dân địa phương
. Phóng viên: Thưa chị, chị có thể nói rõ hơn về vai trò, nhiệm vụ của BV dã chiến 2.5 trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ tại Bentiu, Nam Sudan?
+ Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Hằng: BV dã chiến 2.5 của VN tại phái bộ của LHQ có 63 cán bộ, chiến sĩ đến từ nhiều quân khu, đơn vị, trong đó có hơn 20 người từ BV Quân y 175.
Phái bộ của VN đóng quân chung với phái bộ của các nước trong khuôn viên phái bộ của LHQ tại Nam Sudan, trong đó có các phái bộ của Pakistan, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Mông Cổ… và một trại tị nạn nằm gần phái bộ của VN.
BV dã chiến 2.5 nhận được sự phản hồi tích cực từ các phái bộ nước ngoài và phái bộ của LHQ với hình ảnh một VN gần gũi, thân thiện và thích áo dài của phụ nữ VN. Ngày càng nhiều người tìm đến BV dã chiến 2.5 để tập vật lý trị liệu và Đông y, trong đó có nhiều lãnh đạo của các phái bộ nước ngoài và LHQ.
Thượng úy
NGUYỄN THỊ THANH HẰNG
Nhiệm vụ chủ yếu của BV dã chiến 2.5 là khám chữa, điều trị bệnh ở cấp độ 2 đối với các quân nhân của những phái bộ nước ngoài theo phân cấp, đồng thời hỗ trợ y tế đối với người dân địa phương trong tình huống khẩn cấp, thiên tai hoặc dịch bệnh.
Từ khi được triển khai vào tháng 7 đến nay, BV dã chiến 2.5 đã nỗ lực vượt qua khó khăn ban đầu để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của quân nhân các nước, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của tình hình sốt rét, dịch tả… ở châu Phi thời gian qua.
Đặc biệt, đơn vị đã điều trị thành công (phẫu thuật mở để thám sát, khâu nối mạch máu và thần kinh) để bảo toàn cánh tay cho một công binh người Pakistan bị thương nghiêm trọng ở vùng cẳng tay. Điều đó thể hiện trình độ chuyên môn, năng lực phẫu thuật và trang thiết bị hiện đại của đơn vị có thể xử lý các tình huống phức tạp.
Ngoài ra, một số trường hợp quân nhân không thể được khám bệnh trong giờ làm việc, khi tìm đến BV dã chiến 2.5 vào giờ nghỉ trưa, ngày nghỉ hoặc thứ Bảy, Chủ nhật thì đều được thăm khám, điều trị bình thường.
. Trong thời gian năm tháng đóng quân tại Nam Sudan, ngoài hoạt động khám chữa bệnh, BV dã chiến 2.5 còn thực hiện những nhiệm vụ, công việc nào khác, thưa chị?
+ BV dã chiến 2.5 cũng thực hiện một số hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ y tế, hướng dẫn trồng trọt… tại các khu vực dân cư gần địa điểm đóng quân.
Đơn vị cũng tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu để quảng bá hình ảnh, đất nước, con người VN đến bạn bè trong các phái bộ nước ngoài như: Giới thiệu về ngày Quốc khánh 2-9 của VN; tổ chức Đêm hội trăng rằm; ngày Phụ nữ VN; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao…
Giữ vững tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ” bất cứ đâu
. Bên cạnh những thuận lợi, những người lính mũ nồi xanh VN đối diện với không ít khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế và đã vượt qua như thế nào, thưa chị?
+ Những người lính VN dù đặt chân đến vùng đất lạ với nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”, sẵn sàng vượt qua khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh, thiếu nước, không đủ rau xanh… nhưng những người lính mũ nồi xanh VN không hề nản lòng, cố gắng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
Các cán bộ, chiến sĩ còn cải tạo nơi làm việc, sinh hoạt, trồng nhiều cây xanh để giảm bớt tác động của thời tiết khắc nghiệt tại châu Phi cũng như nâng cao tinh thần, sức khỏe để sớm hòa nhập với điều kiện hiện tại.
. Cảm nhận của chị khi tham gia BV dã chiến 2.5 và khi đến Bentiu, Nam Sudan là gì?
+ Bản thân là người lính quân y, đã làm việc ở BV Quân y 175 nên tôi luôn mong muốn được tham gia BV dã chiến cấp 2 ở nước ngoài. Khi được tham gia BV dã chiến 2.5, bản thân tôi cảm thấy vinh dự, tự hào khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế với vai trò người lính, nữ quân nhân VN để hỗ trợ về y tế cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong phái bộ của LHQ dù phải xa Tổ quốc, xa gia đình.
Khi đến Bentiu, Nam Sudan, các cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là chị em phụ nữ luôn đoàn kết, san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn. Dù có 6/10 chị em đã có gia đình nhưng vẫn vượt qua rào cản để lên đường, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế.
Trong quá trình điều trị vật lý trị liệu cho nhiều quân nhân nước ngoài đã nhận được phản hồi rất tốt, ngày càng có nhiều người tìm đến BV dã chiến 2.5 để tập vật lý trị liệu và Đông y, trong đó có nhiều lãnh đạo của các phái bộ nước ngoài và LHQ.
. Xin cám ơn chị.
Nén nỗi đau mất người thân để hoàn thành nhiệm vụ
Không chỉ vượt qua khó khăn về vật chất, các cán bộ, chiến sĩ của BV dã chiến 2.5 còn vượt qua cả nỗi đau về tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ.
Hai hôm trước ngày lên đường, Thiếu tá Lê Hồng Tâm nhận được tin mẹ ruột mất nhưng đã không thể chịu tang. Sau đó, khi vừa đến địa bàn đóng quân được hai tuần, Trung úy Bùi Thị Huế được tin cha ruột qua đời và cũng không thể trở về.
Ngoài ra còn các chị em có con nhỏ, mỗi khi nghe con sốt đều thấp thỏm không yên, phó thác vào người thân nơi quê nhà…
Tất cả họ đều kìm nén nỗi nhớ, niềm đau để hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc đã tin tưởng giao phó cho mình.