Ca bệnh đầu tiên nghi do virus Zika

Sáng 18-10, đoàn công tác gồm Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cùng các cơ quan ban ngành địa phương đã tới thăm hỏi, xác minh trường hợp bé gái nghi bị nhiễm virus Zika tại Đắk Lắk.

Lấy mẫu nước tiểu người nhà để xét nghiệm

Theo lời kể của chị HB, vợ chồng chị có hai con. Đứa con đầu đã năm tuổi, sức khỏe bình thường. Khi sinh đứa con thứ hai là cháu HL thì có nhiều biểu hiện bất thường.

Quá trình mang thai cháu HL giai đoạn đầu bình thường, tuy nhiên đến tháng thứ ba thì chị HB bị nổi phát ban khắp người. Chị không đi bệnh viện (BV) khám mà tự mua thuốc về uống và khỏi bệnh. Khi thai kỳ đến tháng thứ tám, chị HB bị sốt nhẹ và cũng tự khỏi.

Giai đoạn chuẩn bị sinh, chị có đi siêu âm và bác sĩ cho biết thai nhi có hiện tượng nhỏ đầu. Sau khi sinh, chị đưa con gái HL đi khám tại BV Đa khoa thị xã Buôn Hồ và BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Cháu HL sau đó được chuyển xuống BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu HL bị chứng đầu nhỏ.

Chị HB cho biết trong quá trình mang thai chị không đi nước ngoài, cũng như các tỉnh/thành trong cả nước có bệnh nhân mắc Zika. “Nơi mình sinh sống có rất nhiều người bị sốt xuất huyết. Khi mình mang thai có bị sốt, không biết dị tật của con có phải do mình ốm mà ra hay không” - chị HB thắc mắc.

Sau khi làm việc, xác minh tại gia đình bệnh nhân HL, Cục Y tế dự phòng đã hướng dẫn người nhà cách điều trị, chăm sóc cháu HL. Cục Y tế cũng tiến hành lấy mẫu nước tiểu những người thân trong gia đình cháu HL để xét nghiệm, chẩn đoán.

“Cháu HL có triệu chứng bệnh đầu nhỏ liên quan đến virus Zika, tuy nhiên cần phải có thêm vài xét nghiệm khác mới có kết luận chính xác” - một cán bộ đoàn công tác của Bộ Y tế cho biết.

Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết viện đã thực hiện năm lần xét nghiệm trường hợp này, kết quả đều cho thấy dương tính với virus Zika. Tuy nhiên, viện sẽ tiếp tục làm thêm một xét nghiệm nữa và gửi mẫu bệnh phẩm sang Trường ĐH Nagasaki Nhật Bản để xác định nguyên nhân chính thức.

Chiều 18-10, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết dù chưa xác định cụ thể nguyên nhân đầu nhỏ có phải do Zika không nhưng Cục Y tế dự phòng đã tiến hành các biện pháp xử lý ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi, đồng thời vận động nhân dân trong vùng thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Bé gái nghi bị bệnh đầu nhỏ do nhiễm virus Zika từ mẹ.  Ảnh: ĐẠI DŨNG

TP.HCM công bố dịch

Trong khi đó, ngày 18-10, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định công bố dịch bệnh do virus Zika quy mô xã, phường trên địa bàn TP.HCM. Văn bản do Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu ký yêu cầu các địa phương thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trước đó đơn vị này đã gửi tờ trình cho UBND TP.HCM đề nghị công bố dịch bệnh do virus Zika quy mô xã, phường sau khi phát hiện thêm một trường hợp nữ bệnh nhân dương tính với virus Zika tại quận 9 vào ngày 10-10.

Theo BS Hưng, nếu đã xuất hiện thêm một trường hợp nhiễm Zika thì khả năng sẽ xuất hiện liên tiếp nhiều trường hợp khác. Vì vậy, sau khi công bố dịch, Sở Y tế TP đã có những chỉ đạo ban đầu cho trung tâm y tế dự phòng cùng các BV triển khai ba mục tiêu.

Thứ nhất, trong thời gian tới Sở tiếp tục tuyên truyền phòng, chống virus Zika lồng ghép với sốt xuất huyết. Tuy nhiên, ngoài chuyện giải quyết các vấn đề môi trường, vật dụng chứa lăng quăng… Sở vẫn chú trọng tập trung tuyên truyền cho đối tượng chính là phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai.

Thứ hai, các bác sĩ sản khoa sau khi khám thai định kỳ cho sản phụ nên có hướng dẫn các triệu chứng của virus Zika cho người dân dễ nhận biết. Nếu thấy xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ nên đến cơ sở y tế theo dõi, vì đối tượng này dễ mắc virus Zika nhất.

Thứ ba, tăng cường giám sát trong cộng đồng, trong đó phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM cùng 23 BV quận, huyện và các BV tuyến trên giám sát những bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ như phát ban, sốt. Bên cạnh đó, hệ thống các BV phụ sản phải giám sát các trường hợp có dị tật đầu nhỏ để đánh giá về mặt dịch tễ có liên quan đến virus Zika hay không.

Tính đến thời điểm này Việt Nam đã có bảy trường hợp nhiễm virus Zika, tập trung tại TP.HCM bốn ca; các tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa, Phú Yên mỗi tỉnh một ca. Chiều 17-10, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn nâng mức cảnh báo dịch do virus Zika ở nước ta.

Chủ dự án không hợp tác làm vệ sinh môi trường

Chiều 18-10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đã có buổi làm việc với UBND phường An Phú (quận 2, TP.HCM) về công tác phòng, chống dịch bệnh do virus Zika. Tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng quận 2 cho biết hiện trên địa bàn ghi nhận hai ca bệnh do virus Zika. Ngành y tế địa phương đã giám sát và xử lý hai ca bệnh nói trên, kể cả khu vực lân cận trong bán kính 200 m. Bà Nguyễn Thị Đoan Trang, Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết trên địa bàn phường có một ca nhiễm do virus Zika. Hiện nay có bốn dự án trong phường chưa triển khai thực hiện nên nguy cơ bùng phát muỗi và lăng quăng rất cao. “Hằng năm UBND phường và quận yêu cầu chủ dự án làm vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn có chủ dự án không hợp tác. Điều này khiến nguy cơ dịch bệnh do virus Zika có thể xảy ra” - bà Trang lo lắng nói. 

TRẦN NGỌC

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mối liên hệ giữa virus Zika và bệnh đầu nhỏ (microcephaly) phát hiện ở trẻ em được sinh ra bởi những người mẹ nhiễm virus là tình trạng báo động nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng. Các nhà khoa học đã tìm thấy những phân tử bắt nguồn từ virus - thủ phạm kìm hãm hoạt động của một phần quan trọng trong hệ miễn dịch vật chủ. Hiện Việt Nam đã được xếp vào nhóm quốc gia có lưu hành bệnh do virus Zika.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới