Trong khi đó, ca cao Việt, một loài cây công nghiệp và có mối tương quan mật thiết với cà phê, lại chưa tìm được vị thế tương xứng với tiềm năng của mình.
Tại TP.HCM, trung tuần tháng 11, hội nghị bàn tròn của ngành ca cao Việt Nam đã diễn ra với sự tham gia của các lãnh đạo, đại diện các thành phần trong chuỗi cung ứng ca cao Việt Nam. Hội nghị được tổ chức bởi Công ty Puratos Grand-Place Việt Nam, dưới sự chủ trì của Bộ NN&PTNT và Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam.
Ca cao Việt đang ở đâu?
Là một vương quốc nổi tiếng về sôcôla, Bỉ cũng là quốc gia đi đầu trong đầu tư và cam kết phát triền bền vững ngành ca cao Việt Nam, thông qua việc DN Bỉ đầu tư nhà máy, hợp tác phát triển vùng trồng nguyên liệu với nông dân và bước đầu xây dựng chuỗi liên kết - cung ứng ca cao trước hết ngay trên thị trường Việt Nam. Sự quan tâm của Bỉ đối với ngành ca cao Việt Nam theo đó là một tín hiệu tốt cho ngành, đảm bảo cơ hội phát triển của ca cao Việt Nam không chỉ dừng ở khai thác và xuất thô.
Cây ca cao cho trái ở Việt Nam.
Xét trong tương quan với ngành cà phê, ca cao Việt Nam hiện chưa được quan tâm đúng mức. Tổng diện tích cà phê hiện đang vượt qua tổng quy hoạch quốc gia, trong đó một số vùng đã già cỗi. Trong khi tổng diện tích trồng ca cao còn cách xa so với kế hoạch đặt ra (nguồn: VICOFA). Đây là tiền đề cho việc gia tăng diện tích trồng ca cao. Vấn đề còn lại là làm sao để giá trị gia tăng của cây ca cao, hấp dẫn người nông dân muốn gắn bó với loài cây này thay vì chỉ canh tác nhỏ giọt hoặc một thời gian rồi… nhổ bỏ.
Giải pháp tạo giá trị gia tăng cho ca cao Việt
Theo ông Gricha Safarian, Chủ tịch Tập đoàn Grand-Place kiêm Tổng Giám đốc Puratos Grand-Place Việt Nam, giá trị gia tăng của hạt ca cao thường được tạo ra dựa trên chất lượng hạt thông qua quá trình lên men nhằm cải thiện và tạo ra hồ sơ hương vị tốt nhất. Chính vì thế, cách tốt nhất để phát triển ngành ca cao Việt Nam là phát triển thông qua việc tạo ra ca cao chất lượng cao và bền vững. Giá trị gia tăng cho ca cao Việt Nam cũng có thể được tạo ra thông qua quá trình sản xuất trong nước nhằm tạo ra mô hình riêng biệt “từ hạt ca cao đến thanh sôcôla” tại quốc gia sản xuất ca cao.
Thực tế thì thị trường này hiện vẫn là miếng bánh ngon cho các nhà nhập khẩu nguyên liệu ca cao, hơn là biết tận dụng lợi thế từ khu vực sản xuất, trồng và chế biến ca cao ngay trên thị trường nội địa. Vì lẽ đó, khuyến khích các đơn vị sản xuất bánh kẹo sử dụng ca cao Việt Nam là một trong những giải pháp căn bản để góp phần thúc đẩy sự phát triển và tạo giá trị gia tăng cho ca cao Việt.
“Hiện nay, nhu cầu sôcôla Việt Nam hiện khoảng 5.250 tấn/năm và hầu như nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, các đơn vị sản xuất bánh kẹo trong nước chưa mặn mà với việc sử dụng nguyên liệu trong nước. Việt Nam đang khuyến khích “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Vậy tại sao chúng ta không tính đến việc kết hợp giới thiệu những ứng dụng mới, những xu hướng mới trên thế giới và cải tiến sự hợp tác giữa các nhà sản xuất bánh kẹo ngay trong nước” - Tổng Giám đốc Puratos Grand Place nói.
Như vậy, trong tương lai gần, một sự hợp tác chặt chẽ của tất cả bên liên quan trong chuỗi cung ứng ca cao, từ Chính phủ, người nông dân, nhà sản xuất đến đơn vị cung ứng, nhằm đạt đến mục tiêu tạo ra “hồ sơ” chất lượng và hương vị cho ca cao Việt Nam phát triển bền vững là vô cùng quan trọng. Người nông dân sẽ có niềm tin mạnh mẽ vào tương lai cây ca cao họ trồng chỉ khi họ thấy được hạt ca cao được tất cả bên liên quan trong chuỗi cung ứng trân trọng và sẵn sàng sử dụng.
Ba giải pháp cần làm ngay để hỗ trợ ngành ca cao: 1. Phân bổ nhiều diện tích đất hơn cho ca cao; 2. Việt Nam gia nhập Hiệp hội Ca cao quốc tế nhằm hướng đến việc trở thành nhà cung cấp nguồn nguyên liệu ca cao chất lượng cao chính tại châu Á; 3. Thành lập Hiệp hội Ca cao, sôcôla và bánh kẹo để đảm bảo có đơn vị thường trực, kết nối, hỗ trợ phát triển cho tất cả bên liên quan. |
TRUNG KHÔI